Sau phần 1 viết về những tên đường Sài Gòn mang tên Việt từ trước thời điểm năm 1954, vì nhận được sự quan tâm của bạn đọc, nên xin viết tiếp về những tên đường khác được mang tên Việt ở giữa vô số tên người Tây trong thời Pháp thuộc (1862-1954).
Phần 1 đã nhắc về những tên đường mang tên Gia Long, Bùi Quang Chiêu, Bảo Hộ Thoại, Đỗ Hữu Vị, Đỗ Thanh Nhơn, ở phần 2 xin tiếp tục các tên đường khác:
Đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn)
Tên đường Huỳnh Quang Tiên được đặt từ năm 1920, nó tồn tại trong suốt 65 năm trước khi được đổi tên thành Hồ Hảo Hơn.
Hai đường mang tên Cống Quỳnh và Hồ Hảo Hớn ngày nay nối liền với nhau, thời cuối thế kỷ 19 đó là một con đường được đặt tên là Blancsubé Cầu Kho. Sở dĩ đường mang tên này là nó nằm ở khu Cầu Kho, và nhà của ông Blancsubé ở gần khúc giữa của đường này (nay là đường Cống Quỳnh). Blancsubé là luật sư ngạch dân sự và là chính trị gia từng là thị trưởng của Sài Gòn – Chợ Lớn từ năm 1881. Khi ông qua đời năm 1888, con đường đi ngang qua nhà ông ở Cầu Kho được đặt tên là Blancsubé Cầu Kho.
Ngày 26/10/1920, đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo) được xây dựng và cắt đường Blancsubé Cầu Kho làm đôi, đoạn ở đầu phía rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois) được đặt tên là Huỳnh Quang Tiên, đoạn còn lại mang tên d’Arras.
Cũng xin nói thêm là từ năm 1897, tên của Blancsubé cũng được đặt tên cho một đoạn nối dài của đường Catinat, sau 1952 thì đường Blancsubé đổi tên thành Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch).
Trở lại tên đường Huỳnh Quang Tiên được đặt từ năm 1920. Có thể nói đây là tên đường hiếm hoi được giữ nguyên qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc giai đoạn 1920, thời kỳ vnch 1955-1975 và thời kỳ 10 năm đầu sau khi thống nhất đất nước 1975-1985. Không rõ ông Huỳnh Quang Tiên có công trạng gì mà được chính quyền thuộc địa đặt tên đường từ năm 1920 và vẫn được giữ lại vào các thời kỳ sau đó, chỉ biết rằng ông từng là một nghị viên lâu năm của chính quyền ở Sài Gòn. Rất có thể ông có nhiều đóng góp cho xã hội, chứ không hẳn là có công trạng gì đối với nước Pháp, vì nếu vậy thì sau 1955, đặc biệt là sau 1975 đã bị xóa tên đường.
Ở tỉnh Gia Định, trước 1975 cũng có con đường mang tên Huỳnh Quang Tiên từ năm 1961, đến năm 1985 bị xóa tên, thành đường Đặng Văn Ngữ ở quận Phú Nhuận.
Đến nay, thân thế và sự nghiệp của Huỳnh Quang Tiên không thấy có nơi nào chép lại, gần như đã đi vào quên lãng.
Đường Lê Lợi (nay là một phần của đường Lê Thánh Tôn ở Q1)
Trước khi đại lộ Bonard ở trung tâm Sài Gòn được mang tên vị anh hùng Lê Lợi từ năm 1955, trước đó ở ngay gần sát đã có một con đường được đặt tên Lê Lợi từ năm 1947, nay là 1 phần của đường Lê Thánh Tôn.
Đây là một trong những con đường đầu tiên ở Sài Gòn, khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn thì đường được đánh số 15. Ngày 1/2/1865, đường 15 đợ chia thành 3 đoạn nối nhau lần lượt mang tên là đường Sainte Enfance, đường Isabelle và đường Palanca. Năm 1870, ba đường này lại nhập với nhau để mang tên đường Espagne. Năm 1947, chính quyền Nam Kỳ Quốc (thủ tướng Lê Văn Hoạch) cắt đường Espagne thành đôi tại đường Catinat (đường Tự Do sau này), đoạn ở phía Ngã 6 Phù Đổng hiện nay được đặt tên là Lê Lợi.
Năm 1955, cái tên Lê Lợi được đặt tên cho con đường lớn ở gần đó, còn đường Lê Lợi cũ nhập trở lại với đường Espagne để thành đường Lê Thánh Tôn từ đó cho đến nay.
Đường Lê Lai
Ngày 4/5/1954, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường quai de Poteria ở Chợ Lớn thành đường bến Lê Lai. Chữ “bến” được dịch từ chữ quai của tiếng Pháp, thường được đặt cho những con đường ở dọc theo kinh, rạch. Chỉ hơn 1 năm sau đó, đường Lê Lai đổi tên thành bến Mễ Cốc. Gọi tên nhu vậy vì ngày đó ở đây có kho chứa lúa rất lớn của công ty mang tên Mễ Cốc. Dù cái tên không bắt nguồn từ danh nhân nhưng nó đã tồn tại từ tận năm 1955 cho đến nay.
Đường Lê Quang Hiển (nay là đường Cao Văn Lầu ở Chợ Lớn)
Tên đường mang tên Lê Quang Hiển ở Chợ Lớn tồn tại suốt từ năm 1943 đến 1985, một thời gian khá dài, dù ông là một quan cai trị làm việc cho chính quyền thuộc địa Pháp.
Đường Lê Quang Hiển vốn mang tên Pháp là Ohier ở Chợ Lớn. Tuy nhiên sau khi 2 thành phố Chợ Lớn và Sài Gòn sáp nhập với nhau vào năm 1931 thì có 2 tên đường mang tên Ohier trùng nhau (một ở Q1, một ở Chợ Lớn), năm 1943 chính quyền đổi tên đường Ohier ở Chợ Lớn thành Lê Quang Hiển, một đốc phủ sứ của chính quyền thuộc địa.
Đốc phủ sứ là chức vụ của quan chức người Việt trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở thành phố (hoặc một đại lí quan trọng) ở Nam Kỳ thời thuộc địa. Đốc phủ sứ được tuyển chọn trong số tri phủ hạng nhất có thâm niên từ 3 năm trở lên và trực thuộc viên quan cai trị người Pháp và chủ tỉnh.
Đến tận năm 1985, đường Lê Quang Hiển mới đổi tên thành đường Cao Văn Lầu.
Đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Mã Lộ ở Tân Định)
Từ năm 1954 đến 1975, tên của tả quân Lê Văn Duyệt (tổng trấn thành Gia Định) được đặt cho những con đường lớn ở cả Sài Gòn và Gia Định. Trước năm 1954, đã có một con đường chỉ dài có 124m ở ngay sau lưng chợ Tân Định.
Khi chợ Tân Định được xây dựng năm 1926, đằng sau nó có con đường nhỏ được mở ra và đặt tên là Lê Văn Duyệt. Năm 1955, tên Lê Văn Duyệt được đặt cho con đường lớn nối Quận Nhứt với Gia Định, thì con đường nhỏ này đổi tên thành Mã Lộ.
Ngày xưa chưa có các xe cơ giới để chở người và hàng hóa vào chợ, chỉ có loại xe bánh gỗ do ngựa kéo, gọi là xe thổ mộ. Trong thời gian chờ người và hàng hóa ra xe về nhà, những người phu lái xe ngựa (xà ích) cho tập trung xe và ngựa tại đường này, từ đó đường Lê Văn Duyệt thành con đường chuyên đậu xe ngựa. Vì vậy từ năm 1955, đường đổi tên thành Mã Lộ (mã là ngựa, lộ là đường).
Tả quân Lê Văn Duyệt làm tổnɡ trấn Gia Định từ năm 1820, một ᴄhứᴄ νụ tươnɡ đươnɡ νới Thốnɡ Đốᴄ Nam Kỳ thời Pháp, là νua một ᴄõi ở miền Nam suốt từ dải đất Phan Thiết ᴄhᴏ đến Cà Mau. Dù ᴄó quyền hành lớn trᴏnɡ tay nhưnɡ Đứᴄ Thượnɡ Cônɡ Lê Văn Duyệt tuyệt đối trunɡ thành νới triều đình, trunɡ quân ái quốᴄ νà sánɡ suốt trᴏnɡ νiệᴄ ᴄai trị. Ônɡ ᴄó ᴄônɡ lớn trᴏnɡ νiệᴄ phát triển Miền Nam, làm ᴄhᴏ νùnɡ này trở nên νô ᴄùnɡ trù phú νới một nền an ninh hết sứᴄ νữnɡ ᴄhắᴄ, làm ᴄhᴏ dân Miền Nam đượᴄ an hưởnɡ hòa bình thịnh νượnɡ, trᴏnɡ một xã hội trật tự nhưnɡ ᴄởi mở, tiến bộ.
Sau 1975, hai tên đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn và Gia Định đều bị đổi tên, nhưng đến năm 2020 thì tên đường ở Gia Định (bên cạnh lăng của Lê Văn Duyệt) được trả lại tên cũ, sau khi chính quyền xem xét lại công lao của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt đối với vùng đất Gia Định.
Kết thúc phần 2, xin mời các bạn chờ đọc các phần tiếp theo về các tên đường ở Sài Gòn trước 1954.
Đông Kha – chuyenxua.net