Xa lộ Biên Hòa được khởi công vào tháng 7 năm 1957, hoàn tất vào Tháng Tư năm 1961 với tổng chiều dài 31km, ban đầu chiều rộng lòng đường 21m.
Xa lộ này được nhà thầu Mỹ thi công, làm bằng công nghệ hiện đại tiên tiến, là con đường dài và đẹp nhất Việt Nam hơn 60 năm trước. Thậm chí xa lộ Biên Hòa từng bị người dân nhầm tưởng là đường băng dự phòng cho máy bay trong trường hợp sân bay Tân Sơn Nhứt bị phá hủy.
Điểm đầu và điểm cuối của Xa Lộ được xem là 2 cây cầu nổi tiếng: Cầu Sài Gòn (cũng thường được gọi là cầu Tân Cảng), dài gần 1km, bắc qua sông Sài Gòn, và cầu Đồng Nai dài gần 0.5km bắc qua sông Đồng Nai. Tuy nhiên thực tế Xa Lộ Biên Hòa còn nối dài từ cầu Tân Cảng vào đến chỗ Phan Thanh Giản – Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua cầu Phan Thanh Giản, và từ cầu Đồng Nai đi thêm 15 km cho đến Ngã 3 Chợ Sặt của Biên Hòa.
Ở dưới đây là hình ảnh tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành Xa Lộ Biên Hòa vào ngày 28/4/1961, được xem là Xa Lộ tân tiến nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Sau đó vài năm, có một xa lộ khác được xây dựng, cắt ngang Xa Lộ Biên Hòa tại vị trí Trạm 2, do công binh quân đội nước Đại Hàn xây, nên được gọi là Xa Lộ Đại Hàn, nối từ Trạm 2 về tới An Sương, nay là 1 đoạn của Quốc Lộ 1A.
Xa Lộ Biên Hòa được tập đoàn RMK – BRJ (RMK-BRJ Construction Industry Legacy) của Mỹ thi công. Đây là tập đoàn đã xây dựng lớn đã phụ trách rất nhiều công trình quân sự cũng như dân dự tại miền Nam trước 1975 mà ai sống vào thời đó đều biết đến. Đã có một thời người Sài Gòn đổ xô đi nộp đơn xin làm cho hãng RMK-BRJ vì được trả lương rất hậu hĩnh.
Công ty RMK – BRJ có văn phòng chính nằm ở đầu đường Duy Tân, sau lưng Nhà Thờ, mặt sau của tòa nhà Sài Gòn Xe Hơi, vị trí của Diamond Plaza ngày nay.
Khi trúng thầu xây dựng xa lộ Biên Hòa, công ty RMK – BRJ đã đặt nhà máy trên ở trên con đường này đi qua. Vị trí nhà máy RMK nằm ở gần Nhà máy Điện Thủ Đức, ngày nay vẫn còn tên gọi Ngã tư RMK ở vị trí này ở Quận 9 (cũ).
Sự ra đời của xa lộ Biên Hòa đã mang lại những lời bàn tán xôn xao trong dư luận, bởi cho đến lúc đó thì người dân chưa thấy con đường rộng, phẳng phiu như xa lộ Biên Hòa. Sở dĩ xe chạy trên xa lộ êm, không xóc như các tuyến đường khác vì được thi công bằng kỹ thuật mới nhất của Mỹ – đổ nhựa bằng máy có chiều ngang rộng và đổ cùng một lúc nên bằng phẳng.
Trên xa lộ được gắn đèn cao áp thủy ngân, đêm đèn tự bật sáng, ngày tự tắt. Người dân lúc đó rất thích thú vì chạy xe đèn đường sáng trưng chứ không tù mù như ngọn đèn vàng trong thành đô được gắn từ thời Pháp.
Việc thực hiện con đường dài, đẹp và hiện đại nhất miền Nam lúc đó nhưng chạy qua khu heo hút, toàn đồng lúa rồi dừng ở Biên Hòa khiến nhiều người thắc mắc. Có người còn cho rằng chính quyền làm con đường rộng rãi, phẳng phiu như thế để cho phi cơ đáp xuống, phòng khi sân bay Tân Sơn Nhứt bị phá hủy.
Thực ra, xa lộ Biên Hòa được xây dựng theo mô hình quen thuộc tại các thành phố ở Mỹ và phương Tây, nơi thường có khu công nghiệp và dân cư được quy hoạch cách xa nhau rồi kết nối bằng xa lộ. Dần dần, người dân xây nhà cửa hai bên xa lộ khiến hai khu vực biến thành một thành phố chung.
Theo kế hoạch của chính quyền lúc đó, khu công nghiệp dự định được xây dựng tại vùng Biên Hòa, còn Sài Gòn chỉ có nhiệm vụ trung tâm thương mại, khu dân cư tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ khu công nghiệp. Những người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa sẽ có con đường xa lộ đi lại cho nhanh.
Sau này, kế hoạch đó đã thành hiện thực khi nhiều người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Đồng Nai thông qua xa lộ Biên Hòa.
Ngày 10 tháng 10 năm 1984, để kỷ niệm 30 năm giải phóng Hà Nội, chính quyền thành phố đổi tên Xa Lộ Biên Hòa thành Xa Lộ Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay nhiều người vẫn quen gọi xa lộ cửa ngõ của Sài Gòn này bằng cái tên cũ: Xa Lộ Biên Hòa.
Đây là con đường chính để đi từ nội ô Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, là trục con đường Cái Quan năm xưa.
Ngay khi xa lộ Biên Hòa đi vào hoạt động, nó đã nổi tiếng trong công chúng nên có nhiều tác phẩm nhạc – phim nhắc tới, điển hình là phim Xa Lộ Không Đèn của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, có sự tham gia của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Đi cùng với phim là bài nhạc phim cùng tên của nhạc sĩ Y Vân:
Trên xa lộ mênh mang
trên xa lộ cô đơn
Ôi xa lộ bóng tối im lìm…
Click để nghe Phương Dung hát Xa Lộ Không Đèn
Ngoài ra, nói đến xa lộ Biên Hòa cũng không thể không nhắc đến ban nhạc trào phúng AVT trước 1975 với bài hát theo kiểu “thanh tục – tục thanh” là Em Tập Lái Vespa:
Đêm nao xa lộ Biên Hòa,
Dạy em học lái Vespa một mình…
Click để nghe ban AVT hát Em Tập Lái Vespa
Sau khi Xa lộ Biên Hòa hoàn thành, chỉ một thời gian ngắn sau đó là thời điểm xe máy thương hiệu Honda tràn vô Miền Nam Việt Nam, nhiều nhứt là xe Honda 67. Từ đó đã có không biết có bao nhiêu cuộc thư hùng tốc độ bằng xe 67 trên Xa lộ này, từ đó tên gọi yên hùng hay Anh hùng Xa lộ ra đời và là câu nói cửa miệng của nhiều người cho đến tận ngày nay.
Trên trục đường của Xa lộ Biên Hòa, có những địa điểm, công trình nổi tiếng như Ngã 4 Hàng Xanh, cầu Tân Cảng, Ngã Tư Thủ Đức, Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà Máy Điện, Công ty Xi Măng Hà Tiên, cầu Suối Cái, dốc Thiên Thu, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, Cầu Đồng Nai.
Hãy cùng xem lại những hình ảnh xưa của Xa Lộ Biên Hòa sau đây:
–
–
Cầu Sài Gòn (cầu Tân Cảng) được xây dựng đồng thời với Xa lộ Biên Hòa. Cây cầu được làm với kỹ thuật mới nên khác với các cầu bằng sắt, lót ván, thời đó mà mỗi khi xe đi qua phải đi chậm vì hẹp và kêu lọc cọc. Cầu mới cũng đổ bêtông như mặt xa lộ, xe chạy qua không phải giảm tốc độ.
Khi cầu này được xây dựng thì vẫn chưa có cái tên “tân cảng”, mà người ta thường gọi nó là “cầu xa lộ”, vì cầu này được xây dựng từ năm 1958 để phục vụ cho xa lộ Biên Hòa, do công ty Johnson, Drake & Piper xây dựng từ tháng 11/1958.
Ban đầu, cầu Sài Gòn dài 1.010m, gồm 22 nhịp, trong đó có 3 nhịp chính với chiều dài 267,45m. Cầu được thiết kế với 3 nhịp chính là dầm thép và thân trụ dạng cột với mức chịu tải là 25 tấn, phương pháp thi công mố trụ cầu lúc đó là đóng cọc.
Cầu Sài Gòn và xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa cùng được khánh thành vào ngày 28/6/1961, rút ngắn thời gian đi từ Sài Gòn về các tỉnh ở miền Trung.
Đến năm 1967, một quân cảng mới được xây bên cạnh cầu, từ đó người ta gọi cầu Sài Gòn bằng cái tên Tân Cảng, tuy nhiên đây là cái tên không chính thức.
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr