Cuộc đời buồn của nhạc sĩ Đỗ Lễ – Tác giả của Sang Ngang, Tình Phụ


Click để nghe podcast Cuộc đời nhạc sĩ Đỗ Lễ – Tác giả của những bài thất tình ca

Trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình của miền Nam trước 1975, dù Đỗ Lễ không phải là một cái tên quá nổi bật, nhưng ông cũng là tác giả của nhiều ca khúc được công chúng yêu thích, đặc biệt là những bài hát buồn như Sang Ngang, Tình Phụ, Chia Ly…

Nhạc sĩ Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh năm 1941, tại Hà Nội. Ông học tiểu học ở trường Hàng Vôi, đến năm 11 tuổi được học trung học ở ngôi trường danh tiếng Chu Văn An (thường được gọi là trường Bưởi). Năm 1953, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn và từng theo học các trường Mỹ Thuật ở Sài Gòn và Gia Đình. Năm 1959, ông vào Đại học Khoa học Sài Gòn, sau đó học tiếp trường Đại học Luật khoa Sài Gòn vào năm 1963. Năm 1965, ông từng giành được huy chương vàng trong một cuộc thi Lực sĩ đẹp.

Có thể nhận thấy nhạc sĩ Đỗ Lễ là một trí thức được đào tạo chính quy ở các trường học tiếng tăm nhất ở cả Hà Nội lần Sài Gòn. Ngoài ra, ông vốn có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, từ năm 10 tuổi đã tự học nhạc, sau đó tập sáng tác năm 15 tuổi, với những bài hát đầu tay là Tình Mẹ Hiền, Tan Vỡ…, tuy nhiên phải đến năm 24 tuổi thì nhạc sĩ Đỗ Lễ mới được công chúng biết đến rộng rãi với ca khúc Sang Ngang, sáng tác cho mối tình đơn phương của tác giả với nữ danh ca Lệ Thanh.


Nghe podcast – Hoàn cảnh sáng tác Sang Ngan

Những năm cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960, khi Lệ Thanh đã là một ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc thì Đỗ Lễ vẫn còn là một tên tuổi mờ nhạt, ngày ngày “trồng cây si” theo người đẹp khắp các phòng trà ca nhạc Sài Gòn. Nhưng nữ ca sĩ nổi tiếng là ngoan hiền, kín đáo, thường tránh né các đám đông, và cũng né tránh mối tình si của Đỗ Lễ. Nàng đột ngột bỏ dở sự nghiệp ca hát khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng để cất bước “sang ngang” theo chồng, để lại rất nhiều sự nuối tiếc cho khán giả mến mộ, và người bị đau buồn, hụt hẫng lớn nhất chính là Đỗ Lễ.

Rất nhiều lần, ngồi ngắm nhìn Lệ Thanh biểu diễn trên sân khấu, chỉ cần thấy Lệ Thanh mỉm cười là trái tim Đỗ Lễ đã thắt lại. Chàng trai trẻ tưởng như người đẹp đang cười riêng với mình, hát riêng cho mình nghe. Tâm trạng não nề, Đỗ Lễ tìm tới men say rượu đắng, mơ tưởng ra một cuộc tình bi luỵ không thành của mình và Lệ Thanh, rồi viết thành ca khúc Sang Ngang với những lời ca chia ly sầu muộn:

Thôi nín đi em
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ơi! 

Em hỡi đôi mình
Mộng này đã tan
Tình đã dở dang 


Click để nghe Thái Thanh hát Sang Ngang trước 1975

Bạn bè đương thời nhận xét, Đỗ Lễ mặc dù là một người quảng giao, vui vẻ nhưng đồng thời cũng là một nhạc sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đa sầu đa cảm. Mối tình đầy tuyệt vọng với nữ ca sĩ Lệ Thanh vừa đẩy nhạc sĩ rơi vào hố sâu sầu thảm nhưng đồng thời cũng đẩy âm nhạc của ông thăng hoa rực rỡ như một vầng pháo hoa trên bầu trời nghệ thuật khiến bao người ngưỡng mộ và cảm mến.

Trước năm 1975, bài Sang Ngang được cả 3 nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn hát, đó là Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly:


Trước 1975, Khánh Ly chỉ hát lời 2 của ca khúc

Sau năm 1975, phiên bản được yêu thích nhất có lẽ là giọng hát đượm buồn của Ngọc Lan:


Click để nghe Ngọc Lan hát Sang Ngang

Vào những năm cuối đời, trong những lần tâm sự với bè bạn, nhạc sĩ Đỗ Lễ từng nói rằng chuyện tình của ông với Lệ Thanh năm xưa không phải là “tình đơn phương” như người đời đồn thổi. Tuy nhiên vì nhà ông nghèo nên không “môn đăng hộ đối”, và lần chia ly trong bài Sang Ngang đã đẫm lệ sầu bi.

Nữ danh ca Thanh Lan từng viết về nhạc sĩ Đỗ Lễ và ca khúc Sang Ngang như sau: “Anh đến với khán thính giả yêu nhạc bằng đôi hia bảy dặm, chỉ cần đặt bút viết xuống đôi lời thủ thỉ “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi…”, anh đã trọn vẹn nắm được con tim của tất cả những ai đã từng nếm được hạnh phúc cũng như đau thương của tình yêu đích thực”.

Thời gian tiếp theo, Đỗ Lễ cho ra hàng loạt những ca khúc thất tình khác, tất cả đều rất não lòng như Tình Phụ, Tan Vỡ, Tuyệt Tình, Tàn Phai, Dại Khờ, Hận Tình, Tình Buồn, Oan Trái, Dang Dở, Mùa Thương Cũ, Rồi Em Cũng Bỏ Tôi Đi… và một ca khúc khác có nội dung gần giống với Sang Ngang, đó là Chia Ly. Tuy nhiên thời gian sau này, vì nhiều lý do mà bài hát này bị nhầm tên thành Chuyện Buồn Tình Yêu, và tên nhạc sĩ cũng bị đổi thành Mặc Thế Nhân.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ kết hôn với ca sĩ Hoài Xuân (được xem là người trình bày nhạc phẩm Sang Ngang lần đầu trong các phòng trà ở Sài Gòn), tuy nhiên cuộc tình này chỉ kéo dài 6 năm khi họ đã có với nhau ba người con. Năm 1989, trong bài báo viết về nhạc sĩ Đỗ Lễ, tác giả Lâm Tường Dzũ viết về nữ ca sĩ Hoài Xuân như sau:

“Khoảng cuối năm 1964, ở tại một phòng trà nhỏ nằm gần đường Đinh Tiên Hoàng, Đakao, Tân Định có cái tên rất là Nhựt Bổn Kontiki. Nhạc khúc Sang Ngang được một ca sĩ hạng B tên Hoài Xuân trình bày. Cô ca sĩ khoảng 17, 18 tuổi rất xinh, rất đẹp có đôi mắt buồn não ruột. Nàng cất giọng ca thê lương băng giá cả màn đêm. Bản nhạc nầy được giới thưởng ngoạn buổi đó khen ngợi nhiệt tình…”

Không rõ khi ngắm nhìn Hoài Xuân hát trên sân khấu bản nhạc tình da diết dành cho tình cũ, nhạc sĩ Đỗ Lễ đã nghĩ ngợi gì. Chỉ biết rằng, sau buổi ra mắt ca khúc rất thành công đó, mỗi lần Hoài Xuân đi diễn ở phòng trà, Đỗ Lễ đều đặn xuất hiện đưa đón cô. Nhiều người nói rằng, nhạc sĩ Đỗ Lễ yêu Hoài Xuân nhưng thực chất là yêu bóng hình của người cũ thấp thoáng trong những giai điệu mà Hoài Xuân ngày ngày trình diễn trên sân khấu. Nhưng rồi, bất chấp ánh mắt nghi ngại của một số người quen và cả sự can ngăn dữ dội của gia đình, hai người vẫn quyết định tiến tới hôn nhân. Sau 6 năm bên nhau và có với nhau 3 người con, Đỗ Lễ chia tay vợ. Hôn nhân tan vỡ, Đỗ Lễ đau khổ viết nhạc phẩm Tình Phụ với những lời ca đớn đau, sầu muộn:

Chuyện tình mười mấy năm qua nay bỗng xót xa mỗi khi sầu dâng
Còn đâu ngày quen biết nhau đã yêu em rồi, yêu cả một đời


Click để nghe Lệ Thu hát Tình Phụ trước 1975

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ có mở một lớp dạy nhạc để mưu sinh. Đến năm 1995, ông được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, tuy nhiên, do không hòa nhập được với cuộc sống nơi xứ người, ông bị trầm cảm nặng. Trong một dịp trở về Việt Nam, ông đã tự kết liễu đời mình bằng một liều ký ninh vào ngày 24/3/1997 trong căn nhà thuê trên đường Trần Đình Xu ở Quận 1, kết thúc một cuộc đời buồn như những bài hát, giống như những câu hát cuối cùng trong ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông:

Thôi nhắc làm gì
Cho xót xa nhiều
Bao nhiêu hận căm

Mối tình ngày xưa
Xóa dần trong mơ
Chôn xuống tuyền đài (bài hát Sang Ngang)

Ngay từ năm 1973, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét rằng Đỗ Lễ là nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang trong bài viết như sau:

Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy là sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi se sắt lại, tình bâng khuâng với giòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân.

Những hình ảnh đẹp rực rỡ huy hoàng của chàng nhạc sĩ Đỗ Lễ là người mang đầy những thơ mộng dày đặc những đau thương và sầu khổ đã phủ kín đời anh. Đỗ Lễ ra đời năm 1941 tại Hà nội, Trời đã phú cho Đỗ Lễ từ thuở nhỏ, năm 14 tuổi đã sáng tác, đến năm 18 tuổi nổi tiếng nhạc phẩm đầu tiên Tan Vỡ & Sang Ngang, tiếng nhạc trở nên réo rắt và tâm hồn trở nên tha thiết trong mối tình đầu dang dở ấy.

Những tiếng nhạc buồn như mời mọc, van xin và sự sầu khổ man mác tạo thành những ca khúc tuyệt vời là tiếng lòng thổn thức của Đỗ Lễ. Tôi yêu nét nhạc đậm đà của Đỗ Lễ và Đỗ Lễ tiếp tục hát, nghe em!

Người tình ở bên cạnh Đỗ Lễ những năm cuối đời là Vương Thị Lam Phương đã nhận xét về nhạc sĩ như sau: “Đỗ Lễ là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyện gì buồn là trở nên suy sụp, rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì nữa, theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái ᴄhếƭ của anh ấy!”

Những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đỗ Lễ, bên cạnh Sang NgangTình Phụ, thì còn có bài Chia Ly (sau này ghi sai tên thành Chuyện Buồn Tình Yêu), mời các bạn nghe lại giọng hát Mỹ Thể trước 1975 sau đây:


Click để nghe Mỹ Thể hát Chia Ly trước 1975

Trước năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ đã thực hiện 4 băng nhạc riêng với những sáng tác của ông do Diễm Ca phát hành:

Băng Đỗ Lễ 1, không chủ đề
Băng Đỗ Lễ 2: Trên Đỉnh Tình Yêu (1974)
Băng Đỗ Lễ 3: Những Tình Khúc Tuyệt Vời (1974)
Băng Đỗ Lễ 4: Xuân (1975)

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận