Trường đua Phú Thọ được xây năm 1932, sau đó trở thành nơi mà giới mê trò đỏ đen thường xuyên lui tới, từng là trường đua ngựa lớn nhất châu Á. Trường đua ngựa này đã bị dẹp bỏ từ năm 2011, sau đó bị xẻ nhỏ để xây dựng các khu tập luyện thể thao, còn khu khán đài kiến trúc Pháp xây hơn 90 năm trước đã được cải tạo thành ký túc xá, hình ảnh hiện nay bạn có thể xem ở dưới cùng bài viết này.
Trước khi có trường đua Phú Thọ, Sài Gòn có một trường đua ngựa khác ở phía bên Mã Ngụy. Tới năm 1932, Hội Kỵ Mã Sài Gòn quyết định mua lại khu đất rộng hơn 44 ha ở làng Phú Thọ để xây trường đua mới, khánh thành ngày 6/3/1932, phí tổn hết một triệu đồng Đông Dương, phải mất tới 7 năm thì Hội Kỹ Mã mới trả xong hết số tiền này.
Sự kiện này được báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 17/4/1932 tường thuật như sau (xin giữ nguyên văn phong, chính tả được in trong báo thời đó):
Cái trường đua ngựa củ, ở đường Verdun (Saigon) lập ra mấy mươi năm nay như ai ấy đều biết, ngày nay nó đã hóa ra củ kỷ chật hẹp, không xứng đáng một cái trường đua của địa-phương Chợlớn – Saigon nữa, bởi vậy hội đua ngựa đã cất một cái trường đua mới trong Chợlớn, trên sân máy bay Phú-Thọ hồi trước.
Ngày chúa-nhựt 6 Mars 1932 nhơn có độ hội Grand Prix de Saigon và xổ số Cash Sweep nên hội đua ngựa đã làm lể lạc hành trường đua mới Phú-Thọ, có quan Thống đốc Namkỳ, các quan văn vỏ tây nam và bá tánh đến chứng kiến đông lắm. Từ nầy về sau người ta sẻ đua ngựa tại trường đua mới nầy, chớ không đua ở chổ củ nửa.
Ngày khánh thành trường đua Phú Thọ, ban tổ chức có mở cuộc xổ số ngựa đua (Cash sweep) theo thể thức bắt thăm, ai bắt trúng số con ngựa đua về nhứt thì được thưởng độc đắc. Số tiền thưởng được tính theo tỷ lệ 25% số tiền bán thăm. Các cuộc đua ngựa theo đúng điều lệ là phải được tổ chức tại trường đua Phú Thọ. Vì thế, thời đó các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, người đến trường đua rất đông, nhiều người đã sạt nghiệp vì “cá ngựa”.
Trong tác phẩm “Ăn theo thuở ở theo thời”, viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.
“Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.
Trường đua ngựa Phú Thọ được coi là điểm vui chơi giải trí hàng đầu ở Nam kỳ. Các cuộc đua ngựa được tổ chức ở đây với các cự ly khác nhau. Một số cự ly cơ bản là 800m, 1000m, 1200m, 1700m, 24000m và 3000m.
Không chỉ nổi tiếng về sự sang trọng, trường đua còn đứng đầu về quy mô. Đây được coi là một trong những đường đua lớn nhất ở châu Á thời đó. Vào những ngày đua, khán giả gần như lấp đầy khán đài. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em háo hức đến xem đua ngựa. Các cuộc đua ở đây rất khốc liệt và thú vị.
Trường đua Phú Thọ hoạt động đến năm 1975 thì ngưng, đến ngày 11/3/1989, Trường đua Phú Thọ được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, đến năm 2004 thì bắt đầu hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã để nâng cấp trường đua và quản lý hoạt động đua ngựa, lợi nhuận cho thành phố bình quân mỗi năm 24 tỉ đồng.
Một chi tiết cần nói, đó là ngựa đua chủ yếu ở trường đua Phú Thọ thời kỳ này là ngựa cỏ (chiếm 2/3), rất nhỏ con, chỉ cao dưới 1,3m (tính từ lưng xuống đất) và nặng không quá 250kg. Vì thế, nài điều khiển ngựa cỏ cũng phải nhỏ, không được quá 38kg. Chỉ trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, thậm chí phải là trẻ hơi bị suy dinh dưỡng hoặc phải áp dụng các biện pháp hết sức khắc nghiệt để giảm cân mới đáp ứng được yêu cầu này.
Tính đến năm 2009, có khoảng 900 con ngựa tham gia đua ở Phú Thọ và trên 40 nài điều khiển ngựa, hầu hết là trẻ em dưới 16 tuổi. Trong năm đó, UBND TpHCM ra quyết định cấm đưa trẻ em làm nài ngựa vì vi phạm Luật chăm sóc, bảo vệ & giáo dục trẻ em. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân làm cho trường đua Phú Thọ phải đóng cửa chỉ 2 năm sau đó.
Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP.HCM, Trường đua Phú Thọ được chuyển đổi để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao TP.HCM.
Vậy khu trường đua ngựa lớn nhất Châu Á một thời bây giờ ra sao? Mời các bạn xem lại các bức ảnh được chuyenxua.net chụp năm 2024 sau đây:
Ngày nay, trường đua Phú Thọ cũ vẫn giữ được kiến trúc cơ bản của phần khán đài (được xây năm 1932), nhưng sân đua ngựa thì đã bị cắt xén thành nhiều khu vực khác nhau, xây thành nơi tập luyện, thi đấu của các môn thể thao. Khu vực ngay trước mặt khán đài được quây thành nhiều sân banh mini cỏ nhân tạo, cho thuê dạy đá banh. Khu vực khán đài chính được chia làm 2 khu, khu bên phải hiện tại được cải tạo thành phòng học của trung tâm huấn luyện thể dục thể thao, khu bên trái là ký túc xá cho vận động viên. Vì khu nhà ở này được cải tạo từ khán đài, nên việc phơi phóng áo quần phía trước tạo ra một cảnh quan không mấy thẩm mỹ.
Các hình ảnh khu khán đài:
Đông Kha – chuyenxua.net