Cuộc sống ở tương lai luôn là sự quan tâm đặc biệt của nhân loại ở bất cứ thời đại nào. Việc nghĩ ra một viễn tượng xa xôi cần có những trí tưởng tượng thật phong phú, nhưng cũng cần phải dựa theo những phát kiến khoa hiện hữu để có được góc nhìn thú vị về cuộc sống, con người ở tương lai. Từ năm 1933, báo chí quốc ngữ Việt Nam đã đưa ra những dự đoán về năm 2000, trong đó có những cái rất chính xác, như là dự đoán sẽ có nhà cửa vách làm bằng thủy tinh mờ hoặc trong, lửa không thể đốt cháy mà tiếng động cũng không đi qua được (nhà vách kính hiện tại). Dự đoán khác là “Trong nhà, tường vách sẽ xê đi dịch lại như bàn ghế, buồng muốn rộng hẹp là tùy theo ý muốn của chủ”, từ lâu các tòa nhà văn phòng đã có các tường di động có thể di chuyển tùy úy. Đặc biệt là suy đoán tài tình rằng “Cửa ra vào mỗi khi có người đi gần đến là tự mở ra hay đóng lại”.
Mời bạn đọc bài báo chi tiết dưới đây:
Gần đây, một tạp chí ở Mỹ có mở cuộc điều tra, phỏng vấn các nhà khoa học danh tiếng nào là các nhà bác học, nhà vật lý, y bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc, mỹ thuật,… để tập hợp ý kiến tiên đoán về cuộc đời con người sau này nhờ khoa học sẽ xảy ra cảnh tưởng như thế nào. Đây ta hãy nghe kết quả cuộc điều tra ấy:
Sau này, mà có lẽ cũng chẳng xa đâu, chỉ trong vòng trăm năm nữa, nhà cửa của ta ở, nhờ khoa học tiến bộ mau chóng, sẽ có tường vách bằng thủy tinh hoặc mờ, hoặc trong, lửa không thể đốt cháy mà tiếng động cũng không đi qua được. Trong nhà, tường vách sẽ xê đi dịch lại như bàn ghế, buồng muốn rộng hẹp là tùy theo ý muốn của chủ. Liền nhà có vườn, bốn bề kính bao bọc. Về mùa đông, tuy ở ngoài tuyết rơi, gió thổi thì ở trong nhà vẫn ấm áp dễ chịu, mùa hè cũng không sợ nóng nực, vì trong nhà và ngoài vườn lúc nào cũng có hơi nước mát mẻ chạy qua. Kính dùng làm nhà, chế theo khoa học có đặc tính ngăn lại những tia sáng nào hại cho cơ thể người, chỉ để lại những tia sáng ích dụng như là quang tuyến X, lục quang tuyến,… Cửa ra vào mỗi khi có người đi gần đến là tự mở ra hay đóng lại, vì ở gần đấy sẽ có máy điện hình (Cellules photo electriques) trông thấy người đi đến nơi là làm chuyển máy mở cửa. Nếu ta đi xuống bếp mà xem, thì các bà nội trợ sau này công việc nhẹ nhàng vô kể. Cái gì cũng dùng máy dùng điện, người chỉ đứng sai khiến thôi.
Nói đến tắm rửa mới kỳ khôi, nhà tắm như hiện tại sẽ bị tiêu diệt, mỗi khi tắm có máy bơm riêng phì hơi nước mạnh vào người, trong chốc lát là sạch hết ghét bẩn, chẳng cần đến xà phòng.
Phòng tiếp khách mới lại thật là khoa học, trên tường nào máy vô tuyến điện truyền thanh, máy chớp ảnh (télécinéma), nào là máy vô tuyến điện truyền hình (télévision), khiến cho ta ngồi nhà mà cũng biết được mọi sự quan trọng xảy ra ở năm châu, mắt non, tai nghe, không cần phải đi đâu nữa.
Thư viện sau này lại kỳ khôi nữa, vì mỗi cuốn sách là một bộ máy hát, khi muốn biết trong sách có gì, cứ việc để trước bộ máy “đọc” (machine à lire), máy sẽ trông mà đọc ra tiếng. Sách biết nói (livres parlants) hiện nay đã có, nhưng sau này tinh xảo lắm. Về vận tải thì hàng không sẽ rất là tiến bộ: nhờ các cuộc thám hiểm lên thượng tầng không khí, như của giáo sư Piccard mà sau này tàu bay nhiều lắm, làm theo kiểu tạc đạn đi nhanh vô kể. Việc bay qua Đại Tây Dương, từ nước nọ sang nước kia xa hàng mấy vạn kilometres chỉ là cuộc du lịch, dễ dàng như đi xe ô tô ngày nay, mà tai nạn có lẽ cũng ít hơn, vì tàu bay bay nhanh hàng 1.600km/h, trên thượng tầng không khí (strastophere) cao hơn 17 cây số thì sẽ có vô tuyến điện dẫn đường chỉ lối. Khi ấy tàu bay lên xuống như chim, chứ không phải lượn mãi rồi mới hạ xuống bãi đất rộng như ngày nay.
Xe hơi sau này nhẹ lắm, cân không đến 450kg chạy nhanh tới 240 cây số và ăn không hết 3l xăng. Lại có thứ động cơ chạy nhờ sóng điện của mấy nhà máy lớn phát ra, chạy không cần dầu mờ; hoặc có thứ chạy bằng sức nóng mặt trời, sức nóng của trung tâm quả đất và sức lạnh của Bắc Cực – Nam Cực. Ô tô nhiều cái dùng để bay khi đi đến nơi mới cụp cánh lại và chạy trên đường như ô tô thường. Đường đi được rải một thứ nhựa bền, êm, ban ngày hút ánh sáng mặt trời, đến tối lại sáng quắc như đèn điện. Xe hỏa sau này sẽ cạnh tranh kịch liệt với xe hơi. Chạy nhanh tới 250 cây số một giờ, có thể chạy trên đường sắt và dưới đường thường. Lại còn xe điện treo (tramway suspendu) chạy lơ lửng trên không từ tỉnh nọ sang tỉnh kia.
Về sự ăn uống cũng có nhiều thay đổi. Nghề canh nông sẽ bị tiêu diệt, thay vào đó các nhà bác học sẽ dùng chất hóa học để tạo ra bánh mì, ngô, gạo, đường, muối. Đến ngay cả thịt cũng có thể làm ra được. Trong những phòng thí nghiệm rải rác khắp nơi, tương tự như ở các trại trồng cây và chăn nuôi hiện nay, các nhà chuyên môn sẽ tạo ra thịt và trứng một cách tinh xảo và nhanh chóng. Về y học thì các bệnh ít đi, cách chữa bệnh hiệu quả hơn. Bệnh ung thư (cancer) và lao (luberculose), khi ấy sẽ có ít người mắc và chữa nhanh khỏi hơn vì có thuốc tốt hơn bây giờ. Người già muốn trẻ lại chẳng có gì mà khó, rất nhiều ông già nhờ phép màu y học mà sống hàng trăm tuổi.
Ta xem đấy đủ biết sức mạnh của khoa học, sẽ có thể làm biến đổi cuộc đời của loài người một cách rất lạ lùng mau chóng, mà ta phải tin rằng sẽ có, vì nếu ta so những ô tô, tàu bay, tàu ngầm, máy vô tuyến liệu năm 1866 đã làm gì có, mà nay (1933) đã là thường, thì từ nay đến năm 2.000 (67 năm nữa) hẳn còn nhiều phát minh không ngờ tới. (theo tạp chí Khoa Học – 1933)
—
Ngoài ra, từ năm 1899, người ta còn vẽ ra viễn cảnh về cuộc sống năm 2000 như sau: