Chuyện ngày Tết ông Táo hơn 90 năm trước: Mong ông Táo trình Ngọc Hoàng trừ nạn kinh tế khó khăn

Ngày đưa ông Táo về trời, mời các bạn cùng “nhâm nhi” lại một bài phiếm luận nhân ngày Tết ông Táo trên báo chí đầu năm 1933.

Chóng thực! Ngoảnh đi ngoảnh lại đã lại đến tết, thế mới biết thời giờ chạy đi mau qua, không khác gì ngựa chạy, thoi đưa.

Hồi tưởng lại như vừa mới hôm nào, hoa đào cười nụ, cái én đưa thoi, muôn hồng nghìn tia tưng bừng đón rước chúa xuân, chưa có là bao mà nay đã lại sắp sửa đón mừng xuân mới!

Ngày hôm nay, không nhớ là ngày tháng nào, thế mà mới sáng ra đã thấy tiếng rao lanh lảnh: “Ai cá ông Táo ra mua”.

Mấy tiếng rao kia đập vào lá nhĩ mọi người, như nhắc cho ta biết nay là ngày tết ông Táo.

Ngày Tết ông Táo!

Theo tục nước nhà, năm nào cũng cứ đến ngày 23 tháng chạp là ngày các ông vua bếp lên chầu trời, lập bộ công việc hàng năm, thiện ác, gian, ngay, sẽ do các ngài tâu trình Ngọc hoàng Thượng đế.

Cũng bởi nghĩ thế cho nên đến ngày hôm ấy, nhà nào cũng sắm mũ, hia, vàng, bạc, cá chép, chân giò, mâm cao cỗ đầy, lễ tiễn các ngài trở về Thượng giới, cốt để lấy lòng các ngài, mong các ngài liệu lời mà tấu đối, họa may có bớt được một phần tội lỗi nào chăng.

Than ôi! Ai dám ngờ đâu các quan ở trên Thượng giới cũng có cái lối “hào bao” như vậy!

U minh cách trở, nao ai biết thực hư. Cứ theo tục cổ lưu truyền nên năm nào cũng cứ đến ngày hôm ấy là bà con nhà nào cũng sắm vàng, mũ, cỗ bàn cúng tiễn các vị Táo quân, nên ta mới có cái tục cùng tết ông Táo.

Nhưng mà rủi thay! ở dưới Hạ giới năm nay đâu đó đều bị con quỉ mặt nhăn (tức nạn kinh tế) nó ám ảnh, thóc gạo bán chẳng người mua, đồng tiền rất là khó khăn eo hẹp, suốt cả tứ dân trong nước đều bị con quỉ nó quấy rối làm cho điêu đứng trăm bề. Gặp phải cái buổi khó khăn thế này, cái gì cũng phải tinh giảm cả. Cũng vì lẽ ấy, nên tôi dám chắc rằng bữa tiệc tiễn hành các ông vua bếp năm nay hẳn cũng vì thế mà kém bề trọng hậu. Họ theo như câu “hung niên sái lễ” mà giảm bớt đi.

Chẳng biết các ngài có thấu rõ cái nông nỗi ấy mà tha thứ cho, lên đến Thượng giới đem ngay việc ấy tâu bày để Ngọc hoàng thượng đế xét soi, rồi sẽ sai người xuống trần khu trừ cái nạn kinh tế để hạ giới chóng được tai qua, nạn khỏi.

Chứ nếu các ngài cũng cứ vì cái lễ bạc mà bỏ mặc, không kêu Thượng đế để ngài sai xuống khu trừ, cứ để mặc nó tự do quấy rối, làm cho người đời khốn khổ, điêu đứng vì tiền.

Đồng tiền ngày một eo hẹp, khó khăn, người đời cứ ngày một khôn ngoan, ma mãnh, người nào cũng vì cái mãnh lực của đồng tiền sai khiến, mà đâm cả đầu vào chỗ hang sâu, vực thẳm ấy, rồi sau này các ngài sẽ phải mỏi tay về biên lại những việc bại lý, thương luân, bất nhân bạc ác, bởi vì người đời lúc ây có dễ mỗi một cái tóc rồi đến năm bảy cái tội cũng nên, bởi vì cái nạn khan tiền mà nên nỗi!

Trong khi lễ tiễn các ông Táo năm nay, ai cũng kêu cầu gì thì tôi không biết, tôi thì tôi đã xin ngài tâu lên Ngọc hoàng mau mau xuống lệnh khu trừ cái nạn kia, để cho hạ giới đỡ được điêu đứng vài phần…

Tác giả bài phiếm luận này là Nam Chân, đăng trên Hà thành ngọ báo số đầu năm 1933.

Ngày nay khi đọc lại, hẳn sẽ có vài người tự hỏi rằng rốt cuộc năm đó Ngọc hoàng thượng đế có “sai người” xuống trần để diệt từ nạn kinh tế theo như lời xin của ông Nam Chân và nhiều người vào năm đó hay không. Giở qua trang báo đầu năm 1934, tức 1 năm sau đó, cũng ông Nam Chân đã viết như sau:

“…tôi tin rằng cho có kêu cầu các ngài cũng chẳng ích gì, như ngày năm ngoái tôi chỉ nhờ ngài [Táo quân] một việc là lên kêu Ngọc hoàng Thượng đế, mau mau hạ lệnh khu trừ con quỉ mặt nhãn – tức nạn kinh tế – để cho hạ giới đỡ phần điêu đứng. Thế mà các ngài cũng chẳng giúp tôi xong việc, mãi đến ngày nay mà cũng chưa thấy bớt được phần nào, bà con vẫn hãy còn bị ma trêu quỉ ám! Chỉ có một việc như thế, mà kêu các ngài còn chẳng giúp…

[…]

Bởi thế, tôi cho rằng chẳng gì hơn là ta cứ tu nhân tích đức, đừng làm những chuyện bạc án bất lương, thì cho rằng mình chẳng phải vái tứ phương, cũng chẳng hề chi cả.

 

1 bình luận về “Chuyện ngày Tết ông Táo hơn 90 năm trước: Mong ông Táo trình Ngọc Hoàng trừ nạn kinh tế khó khăn”

Viết một bình luận