Hồ Biểu Chánh được xem là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất toàn cõi Nam Kỳ trong những năm nửa đầu thế kỷ 20. Ông có bút lực dồi cao, sáng tác hàng trăm tiểu thuyết về cuộc sống người miền Nam xưa bằng ngòi bút chân chất, cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, điểm đặc biệt là có ngôn ngữ đậm chất Nam Kỳ, từ giọng văn đến miêu tả con người. Đề tài phần lớn trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là cuộc sống Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, với cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị.
Ông qua đời năm 1958, nên đã có vài năm ngắn ngủi sống dưới chế độ cộng hòa của người Việt. Trong thời gian đó, dù tuổi đã trọng, ông vẫn sáng tác tiểu thuyết đều đặn, và một trong những truyện sau cùng của ông tên là Sống Thác Với Tình, hoàn thành chỉ 1 năm trước khi ông qua đời, lấy bối cảnh ở Phú Quốc.
Tiểu thuyết này mô tả chân thật quang cảnh và cuộc sống ở Phú Quốc lúc đó. Bên dưới là 1 số trích đoạn.
Năm 1943, chúng tôi được rảnh rang thong thả. Một ông bạn thân có dịp đi Hà Tiên, ông mời chúng tôi đi với ông một vòng Lục tỉnh chơi. Chúng tôi xách hành lý lên xe đi liền với bạn.
Một buổi sớm mơi, mặt trời xán lạn, xe tới ba Hòn là chỗ đường Rạch Giá qua gặp đường Hà Tiên xuống Hòn Chông chạy dọc theo mé biển. Chợt thấy một quang cảnh đồ sộ xanh dờn, dài thòn, cao vọi hiện lên ngoài biển. Chúng tôi biểu ngừng xe, leo xuống, hỏi cái gì? Người ta nói đó là hòn Phú Quốc. Té ra hòn Phú Quốc là vậy đó.
Chúng tôi ngạc nhiên, đứng đó trân trân, mặt ngơ ngáo, lòng xúc động. Thuở nay xem địa dư vẽ hòn Phú Quốc, chúng tôi tưởng nó nhỏ, lại nằm ngoài xa, trong bờ thấy dạng vậy thôi, chớ dè đâu nó hùng vĩ, cao ngất, lại có vẻ âm u, trù mật, nằm dưới gầm trời, trên mặt biển, một đống đồ sộ từ dưới Hòn Chông lên gần tới Cần Vọt như vầy đâu.
Tuy trạo trực cứ muốn ra viếng cho được Phú Quốc, bởi vậy lên tới Hà Tiên, chúng tôi đi xem các thắng cảnh mà xưa nay người ta thường ngâm vịnh. Xem phần mộ của họ Mạc, xem cảnh thú Đông Hồ, xem mũi Pháo Đài, xem chùa Thạch Động, dầu vui chơi phỉ chí, chúng tôi cũng không quên hòn Phú quốc sừng sựng xanh dờn, cao vọi nằm trên mặt biển kia. Chúng tôi cứ thơ thẩn trước chợ Hà Tiên, mắt nhìn, trí hỏi: ai ở trong hòn đó, ở làm chi, cách xa lục địa ồn ào chen lấn, hăng hái cạnh tranh, vậy mà có thấy được thú vui, có tìm được hạnh phúc gì hay không, hay là cũng phải mang nặng túi sầu gánh thảm, là hình phạt dĩ nhiên của loài người trong trần thế, trốn đi đâu cũng không khỏi?
[…]
Trở về Sài Gòn từ ấy đến nay chúng tôi cứ mong mỏi đi ra Phú Quốc. Trót mười mấy năm, vì thời cuộc lộn xộn, chúng tôi không thể đi được. Đến bây giờ đường giao thông mới đuợc thong thả dễ dàng, có phi cơ đưa hành khách mỗi tuần đi một chuyến, sớm mơi đi chiều về, nhờ vậy nên chúng tôi mới được mãn nguyện.
[…]
Hòn Phú Quốc có dân cư kể đã mấy thế kỷ rồi, nhưng dân ở rải rác trong mấy cái vịnh, núp sóng gió cho êm ấm mà sống với cái nghề chài lưới, chớ chưa nghĩ tới cuộc khai thác rừng núi mà xây dựng nghiệp nông thương.
Cách chừng 40 năm trước đây, người ta cũng chưa thấy có tổ chức cuộc khai thác nào đáng kể. Dân cư tuy tăng số nhiều hơn, song họ chòm nhom mà ở với nhau thành xóm thành làng, bên phía Đông là phía ngó vô Hà Tiên thì ở tại Hàm Ninh, đầu dưới thuộc phía Nam thì ở tại Cây Dừa, còn phía bên Đông ngó ra hải đại thì ở tại Duơng Đông. Trong mỗi chỗ, dân đốn cây phá rừng, trồng đồ chút đỉnh mà ăn, chớ chưa làm ruộng hay lập vườn. Ghe biển chở nước mắm, đồi mồi, thuyền đem vô Hà Tiên hoặc Rạch giá mà bán rồi mua gạo, muối, vải, cùng các vật dụng cần yếu khác chở về bán lại cho người trong hòn.
Có làng có xóm, mà chưa có đường bộ để giao thông cho mau và cho dễ. Cũng chưa có đường xuyên ngang qua hòn để nối liền Dương Đông với Hàm Ninh là hai làng lớn có đông dân cư nên thành chợ. Thiệt có một số người sống rải rác trong giữa hòn, hoặc ở theo mấy trảng nhỏ trồng dừa, hoặc cất am, cất chùa ở trên triền núi mà tu; nhưng mấy người ấy giao thông với làng xóm ngoài mé biển thì họ vẹt cây, xô đá, đạp đường mòn để vô ra cho dễ vậy thôi.
Lúc ấy ở phía sau chợ Dương Đông có một con đường mòn đi vô Giếng Tiên rồi đi thẳng lên vùng Suối Đá. Qua khỏi Giếng Tiên một đỗi, nếu người ta băng rừng đi qua phía tay trái, đi một khoảng xa thì người ta sẽ gặp một cái trảng nhỏ được hơn một mẫu đất vậy thôi. Phía sau có một cái đồi nằm dốc dốc từ trảng vô tới chơn núi, lại có một cái suối đưa nước trên núi xuống, chảy ngang qua trảng, rồi đi luôn ra ngoài một đỗi gặp ngọn rạch nhỏ rút nước đi thẳng ra biển. Dưới chân đồi, dựa bên suối, có một cái chòi tranh xệch xạc nhưng sạch sẽ.
[…]
Sau đây là sơ lược lịch sử Phú Quốc, theo chính sử ghi chép:
Từ thế kỷ thứ V TCN, con người bắt đầu xuất hiện ở Phú Quốc, mang đặc trưng của văn hoá Óc Eo, không có dấu hiệu người Khmer ở đây.
Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn.
Năm 1680, Mạc Cửu lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác. Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (hay Mang Khảm, Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kampong Som), Sài Mạt (Cheal Meas hay Banteay Meas), Linh Quỳnh (Kiri Vong) và Phú Quốc (Koh Tral).
Bản đồ tổng Phú Quốc, hạt Hà Tiên năm 1897. Tổng Phú Quốc lúc bấy giờ bao gồm cả hai đảo Ile du Milieu và Ile à l’Eau (còn gọi là Hòn Năng Trong và Hòn Năng Ngoài), về hành chính thuộc thôn Phú Dự. Năm 1956, hai đảo này đã bị mất về lãnh thổ Campuchia, nay gọi là Koh Thmei và Koh Seh.
Thủ phủ đặt tại Mán Khảm(tức Hà Tiên), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).
Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu.
Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.
Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan.
Năm 1735, Mạc Cửu mất, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Chú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành Hà Tiên trấn.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).
Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lập (Gò Công) để được về Nam Vang cai trị.
Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền đông nam Chân Lạp: Hương Úc (Kampong Som), Cần Bột (Kampot), Châu Sum (Chân Sum có thể là Trực Sâm, Chưng Rừm (Chhuk nay thuộc tỉnh Kampot, Chân Sum cũng có thể là phủ Chân Sum (còn gọi là Chân Chiêm) nằm giữa Châu Đốc và Giang Thành, nay là vùng Bảy Núi An Giang (nơi có núi Chân Sum)), Sài Mạt (Cheal Meas hay Banteay Meas) và Linh Quỳnh (Kiri Vong).
Năm phủ này là vùng duyên hải (ven bờ Vịnh Thái Lan) từ Srae Ambel tỉnh Koh Kong (tức Cổ Công, giáp với vùng người Thái (Xiêm La) kiểm soát) cho đến Mang Khảm (Peam), bờ đất liền đối diện phía Đông Bắc đảo Phú Quốc, đã được Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ vương sáp nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Năm 1770, nhà truyền giáo Pierre Pigneu de Béhaine (Bá Đa Lộc) đặt chân lên Phú Quốc và xác nhận cư dân ở đây sử dụng tiếng Việt để giao tiếp, không sử dụng tiếng Khmer.
Năm 1822, đại sứ nước Anh John Crawfurd trên hành trình đi sứ Xiêm và Cochin China [Việt Nam] đã ghé thăm và khám phá đảo Phú Quốc. Ngày 13 tháng 3 năm 1822, Crawfurd neo tàu để lên hòn đảo lớn nhất ở hướng tây bắc. Đảo này có nhiều người sinh sống, họ mến khách và họ toàn là người Cochin China.
Trên đảo cũng có người Hoa gốc Hải Nam nên dễ dàng cho đoàn của Crawfurd thông dịch. Crawfurd được người trên đảo bảo rằng đoàn người của ông là những người châu Âu đầu tiên mà họ thấy ghé thăm đảo. Ông nhận thấy người dân trên đảo khá cởi mở, già trẻ, gái trai không thấy bị lễ giáo ràng buộc nhiều. Crawfurd trao đổi với các vị quan trên đảo thông qua người thông dịch gốc Hoa của mình. Thực ra họ chỉ dùng bút đàm [viết chữ Hán], chứ không cần hé môi một lời nào. Đảo này tiếng Cochin China gọi là Phu-kok [Phú Quốc], tiếng Thái là Koh-dud, hoặc “đảo xa xôi”. Tiếng Campuchia thì gọi đảo này là Koh-trol, hay đảo con thoi. Bản đồ cũ thì gọi là Quadrole.
Đây là đảo lớn nhất phía đông vịnh Xiêm, dài không dưới 34 dặm. Sản vật quý giá nhất trên đảo là lignum aloes hay agila wood [trầm hương]. Dân số Phu-kok từ 4-5 nghìn người, hầu hết là người Việt, một số ít là người Hoa tạm trú [người Khách]. Người dân trên đảo, ngoài trồng cây ăn trái và rau cải, họ trồng nhiều nhất là Convolvulus batatas [khoai lang]. Họ nhập lúa gạo từ Kang-kao [Cảng Khẩu, Hà Tiên]. Đa số dân Phu-kok làm nghề đánh cá, sống chủ yếu ở bờ Đông của đảo. Ngày 17 tháng 3 năm 1822, Crawfurd rời Phu-kok đi Bangkok.
Năm 1855, Hoàng đế Napoleon III của Pháp xác nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thời Pháp thuộc, Pháp đặt Phú Quốc làm đại lý hành chính, thuộc hạt thanh tra Kiên Giang, rồi Rạch Giá.
Ngày 1 tháng 8 năm 1867, Phú Quốc thuộc hạt Hà Tiên.
Ngày 25 tháng 05 năm 1874, Pháp thành lập hạt Phú Quốc, bao gồm các đảo nằm trong khu vực 100°Đ – 102°Đ và 9°B – 11°30’B. Đồng thời, Pháp còn mở cảng Dương Đông cho tàu thuyền các nước vào buôn bán.
Ngày 16 tháng 6 năm 1875, giải thể hạt Phú Quốc, tái lập tổng thuộc hạt Hà Tiên, gồm 5 thôn: Lạc Hiệp, An Thới, Dương Quốc, Hàm Ninh, Phú Dự.
Từ ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn gọi là làng, thuộc hạt Hà Tiên.
Ngày 18 tháng 5 năm 1878, đổi tên làng Lạc Hiệp thành làng Lạc Phú.
Từ ngày 12 tháng 1 năm 1888, tổng Phú Quốc thuộc hạt tham biện Châu Đốc.
Từ ngày 27 tháng 12 năm 1892, lại thuộc hạt Hà Tiên. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, thuộc tỉnh Hà Tiên.
Ngày 4 tháng 10 năm 1912, nhập hai làng An Thới và Lạc Phú vào làng Dương Đông.
Từ ngày 09 tháng 02 năm 1913, tổng Phú Quốc đổi thành đại lý Phú Quốc, thuộc tỉnh Châu Đốc.
Ngày 25 tháng 4 năm 1924, đặt làm quận Phú Quốc, thuộc tỉnh Hà Tiên.
Sau năm 1956, quận Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, các làng gọi là xã, giải thể xã Phú Dự, còn hai xã Dương Đông và Hàm Ninh, dân số năm 1965 là 12.449 người.
Năm 1949, khi quân Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hoàng Kiệt, một tướng lĩnh Quốc dân đảng, gốc tỉnh Hồ Nam, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc.
Sau đó, năm 1953, họ về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền… Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 ha gọi là “Trại Cây Dừa”, có sức giam giữ 14.000 tù nhân.
Thời kì Việt Nam Cộng hòa, Phú Quốc là một duyên khu của hải quân.
Năm 1964, vua Sihanouk của Campuchia tuyên bố chấp nhận đường Brevie từ thời thuộc địa là biên giới biển, đồng nghĩa với việc từ bỏ yêu sách của mình đối với Phú Quốc, công nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam.
Năm 1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bác bỏ đề xuất lấy đường Brevie từ thời thuộc địa là biên giới biển và tiến hành mở rộng hải phận của Việt Nam. Khmer Đỏ (dưới sự lãnh đạo công khai của Đảng Cộng sản Khmer) đã hoàn toàn chấp nhận đường Brevie trong các cuộc đàm phán của họ với người Việt Nam.