Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Thương – Thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt thời thập niên 1930

Nếu nhắc về những nhạc sĩ tiên phong có đóng góp nhiều nhất cho sự hình thành của tân nhạc Việt Nam, người ta có thể nhắc đến nhiều cái tên, và bao giờ cũng có nhạc sĩ Lê Thương trong số đó. Ông đã luôn hiện diện trong lịch sử tân nhạc Việt Nam kể từ lúc mời thành lập cho đến nhiều năm sau đó với các vai trò khác nhau, từ tham gia sáng tác lúc tân nhạc còn “phôi thai”, sau đó là trình diễn, giảng dạy, viết báo về nhạc và nghiên cứu âm nhạc.

Những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lê Thương là bộ ba trường ca Hòn Vọng Phu, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Bản Đàn Xuân, Lòng Mẹ Việt Nam, đặc biệt là những ca khúc viết cho tuổi thiếu nhi là Thằng Cuội, Học Sinh Hành Khúc, Ông Ninh Ông Nang…

Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ (tên thánh là Antoine Ngô Đình Hộ), sinh năm 1914 tại Yên Viên, Hàm Long – Hà Nội. Ông mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, cha tục huyền nên 4 anh em (gồm 3 trai 1 gái) được bà nội đem về Nam Định nuôi.

Tại Nam Định, ông theo học trường làng Saint Thomas, có thiên hướng âm nhạc từ nhỏ và được hấp thụ âm nhạc trong môi trường nhà dòng. Ông từng học piano, thạo nhạc lý, có giọng hát tốt và thường tham gia cũng như tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc kiểu tài tử.

Lê Thương đi tu được một thời gian thì hoàn tục và đi dạy từ năm 1935 sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm. Ban đầu ông dạy ở Hà Nội, sau 2 năm thì chuyển về dạy ở Hải Phòng.

Khi bắt đầu sáng tác, ông lấy bút danh Lê Thương, được ghép họ Lê của mẹ với tên con sông Thương – dòng sông của tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm trong những dịp nghỉ hè ở đồn điền tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) của gia đình của một người bạn học. Nơi đây ông cũng có dịp nhìn ngắm tượng đá vọng phu, là nguồn cảm hứng để nhiều năm sau đó ông viết thành bài trường ca bất tử.

Được sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Nam Định, nhưng Hải Phòng mới là nơi khởi nguồn những sáng tác Tân nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Khi đó ông là giáo viên dạy Pháp văn, sử, địa của trường trung học Lê Lợi – Hải Phòng. Năm 1936, ông đã viết ca khúc Trưng Vương với thanh âm và tiết điệu rất Việt Nam. Tiếp sau đó là những Xuân Năm Xưa, Tiếng Đàn Âm Thầm, Bản Đàn Xuân, Trên Sông Dương Tử, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Một Ngày Xanh… tất cả các ca khúc thời kỳ này của ông bàng bạc một phong vị Á Đông, khác xa với những bài hát điệu Tây lời ta của các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc. Cũng tại Hải Phòng, Lê Thương đã tập hợp quanh mình nhóm các nhạc sĩ trẻ và trở thành người khơi nguồn cho nhóm “Đồng Vọng”. Đây là một nhóm sáng tác có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tân nhạc vào thời “khai sơn phá thạch” này.

Bên cạnh các hoạt động Tân nhạc ở Hà Nội, Tân nhạc ở Hải Phòng cũng có những hoạt động khá riêng biệt. Thầy dạy ở trường trung học Lê Lợi là Lê Thương thường xuyên gặp gỡ một nhóm học sinh yêu đàn hát mà ông gọi là nhóm “Hip-pi tiền chiến”, gồm có Hoàng Quý, Hoàng Phú (sau là nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân, thời gian sau đó còn có thêm Văn Cao… Nhóm này đã giới thiệu các tác phẩm của Lê Thương tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, vào lúc Thế Lữ ra hoạt động cho đoàn Ánh Sáng tại đất Cảng.

Nhà hát Lớn Hải Phòng

Sau khi công bố vài tác phẩm ở Hải Phòng, nhạc sĩ Lê Thương được đoàn Ánh Sáng – một tổ chức của báo Ngày Nay do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương – mời lên Hà Nội trình diễn để vận động quyên góp làm nhà cho đồng bào.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-11-1938, trước khi diễn vở hài kịch Ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc, Thế Lữ đã tổ chức chương trình phụ diễn toàn nhạc Lê Thương. Tại đây khán giả Hà Nội lần đầu được nghe những sáng tác tân nhạc của Lê Thương thời kỳ đầu của sự nghiệp. Đây được xem là chương trình “tác giả tác phẩm” tân nhạc lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.

Mẩu quảng cáo trên báo Ngày Nay về chương trình hài kịch ngày 19/11/1938 tại Nhà hát lớn Hà Nội, có giới thiệu “nhạc sĩ tương lai” là Lê Thương trong chương trình phụ diễn tân nhạc

Phần âm nhạc đã được tách riêng khỏi chương trình chính để thành một màn biểu diễn mở đầu với lời quảng bá: “Một cuộc diễn ca của một nhạc sĩ tương lai: Ông Lê Thương. Những bài ca có giá trị (hầu hết chưa xuất bản): Tiếng đàn khuya, Một ngày xanh, Xuân năm xưa, Trên sông Dương Tử, Khúc ly ca… Cả một bầu trời thơ nhạc du dương sẽ gợi lên trong tiếng ca hiếm có của nhạc sĩ”.

Nhà hát lớn Hà Nội

Buổi trình diễn thành công ngoài mong đợi. Khái Hưng đã không tiếc lời trên báo Ngày Nay 26-11-1938 như sau: “…Ngoài công giới thiệu tác phẩm mới của một soạn giả có tài, còn cho ta được thưởng thức những bài hát êm ái của ông Lê Thương những điệu cảm động vì diễn tả một thứ văn chương ly tao nhất của tâm hồn. Cái giọng mềm mại của ông Lê Thương được một tay danh cầm đàn theo. Ông Trần Đình Khuê một nhạc sư ai cũng yêu tài, đã làm nổi tình cảm của ông Lê Thương trong những ngón đàn ý tứ và đằm thắm”.

Nguyên văn bài viết của Khái Hưng

Khi Lê Thương rời Hải Phòng cuối 1939, nhóm “Hip-pi tiền chiến” vẫn duy trì hoạt động với cái tên mới là nhóm Đồng Vọng, sáng tác nhiều ca khúc ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc để phục vụ cho phong trào hướng đạo. Những nhạc sĩ trong nhóm Đồng Vọng sau đó đều có những sáng tác nổi tiếng và trở thành ca khúc vượt thời gian, đặc biệt là Văn Cao và Hoàng Quý.

Năm 1941, Lê Thương rong ruổi phương Nam, để lại đằng sau một nhóm “Hip-pi tiền chiến” và những buổi trình diễn ở Hải Phòng và Hà Nội. Ban đầu, ông về dạy học ở cù lao An Hóa, tỉnh Mỹ Tho. Cũng tại đây, vào khoảng năm 1944, ông bắt đầu viết ca khúc đầu tiên của trường ca Hòn Vọng Phu lúc đang theo Việt Minh tham gia công tác tuyên truyền cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Nói về cảm hứng sáng tác bài trường ca bất hủ này, Lê Thương cho biết “năm đó tôi tự cho là một kẻ phiêu lạc, mang nặng mối tình nước non đang xao xuyến, phân vân trước bao nhiêu nghi vấn của đời người, nên tôi gởi thác tâm tình vào để tài dân tộc là Tích Người Đàn Bà Hóa Đá.

Tất cả luân lý Đông phương hầu như căn cứ trên lẽ tiết trung của Con Người các thế hệ, các giai cấp trong một nhân sinh quan sâu đậm Tình và Nghĩa.

Người Mẹ ôm con đợi chồng rồi hóa đá quả là một truyện ly kỳ tuyệt đẹp. Thành đá đây là thành “chứng quả tình thâm, tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt. Tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã tan rã”.

Nước ta có 3 đá Vọng Phu: một ở Lạng Sơn có nàng Tô Thị như trong câu “Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, hai là ở Phú Yên (nam trung việt ) có núi Vọng Phu, vùng Đèo Cả (tỉnh Phú Khánh), ba là ở Hà Tiên, có Vọng phu Thạch.

Theo bài viết trên báo Tuổi Trẻ, từ khi còn học sinh thì cậu bé Ngô Đình Hộ – tên thật nhạc sĩ Lê Thương – từng ghé đồn điền gia đình người bạn học ở đất Đồng Đăng thuộc phủ Lạng Thương (nay là Lạng Sơn). Những cuộc viếng thăm đã hằn sâu trong lòng cậu bé hình ảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đến hóa đá với bao tình cảm, nỗi niềm mòn mỏi hun hút.

Về sau, huyền tích ấy quyện hòa với hình tượng người vợ ôm con chờ chồng đến hóa thành tượng đá trong chuyện kể dân gian trải dài khắp đất nước càng thấm đậm lòng Lê Thương. Trường ca Hòn vọng phu thành hình từ ấy…

Người nhạc sĩ từng chia sẻ về nguyên cớ ra đời Hòn vọng phu 1 rằng: “Không phải đơn thuần chỉ có tượng đá Tô Thị vợ Đậu Thao, chồng đi chinh chiến phương Bắc lâu ngày, nàng ôm con ngóng chờ mỏi mòn rồi hóa đá”.

Tác giả cũng cho biết ngoài câu chuyện nàng Tô Thị ở Đồng Đăng xứ Lạng, còn có thêm câu chuyện hai anh em ruột bị cảnh biệt li vì giặc giã, khi lớn họ gặp lại không nhận ra nên lấy nhau. Người chồng bỏ đi biệt tích sau khi biết vợ chính là em gái qua vết sẹo do mình gây ra từ nhỏ, rồi người vợ bồng con lên núi chờ chồng đến hóa thành tượng đá…

Lê Thương tiếp tục cho biết: “Phải nói cho đúng, những cảm hứng đã thôi thúc tôi sáng tác Hòn vọng phu còn mấy yếu tố quan trọng nữa, đó là chuyến tôi vào Nam năm 1934, khi qua đèo Cù Mông đến ranh giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tôi thấy đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông đèo Cả. Và khi xuống chơi Hà Tiên thấy hòn vọng phu trong vịnh Thái Lan.

núi đá bia ở Phú Yên

Đồng thời, một xúc tác sâu trong tâm hồn tôi là ảnh hưởng những câu thơ trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), đã in sâu vào tiềm thức khi còn ngồi ghế nhà trường: “Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Tất cả ấn tượng đó nằm sâu trong tâm thức đã từ lâu thôi thúc tôi thai nghén tạo nên ba tác phẩm trường ca nhạc cảnh Hòn vọng phu”.

Sinh thời, nhạc sĩ Lê Thương chia sẻ: “Việc sáng tác ba bản Hòn vọng phu xuất phát từ những bước luân lạc kéo dài tại xứ dừa Bến Tre. Những rung cảm êm đềm lẫn ghê rợn, tuyệt vọng, đã giúp cho chàng nhạc sĩ giang hồ gốc Thăng Long là tôi chắp nối dần các tình tiết thành một truyện ca”. Cả ba bản nhạc được viết ở âm giai rê thứ.

Sau khi hoàn thành xong Hòn Vọng Phu 1, Lê Thương đưa cho Lưu Hữu Phước mang ra Hà Nội trước ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945.


Click để nghe Thái Thanh hát Hòn Vọng Phu 1

Bài Hòn Vọng Phu thứ 2 được ông viết khoảng năm 1945-1946 trên đường theo kháng chiến ở vùng Mỹ Tho, Bến Tre và được yêu thích trên các sân khấu ở Sài Gòn năm 1948. Đó cũng là năm ông hoàn thành ca khúc cuối là Hòn Vọng Phu 3 – Người Chinh Phu Trở Về.

Bộ ba Hòn Vọng Phu là một liên ca khúc mà mỗi bài có tiêu đề riêng, là những cấu trúc độc lập, chúng chỉ chung với nhau ở đề tài. Hòn Vọng Phu 1 được xem là bài hát thành công nhất, phổ biến nhất. Nó độc đáo bởi vì là một tích ca được viết bằng thể hành khúc mô tả cuộc hành quân với không khí giục giã của tiếng chiêng trống, ngựa hí và những bước chân đoàn binh tiến về vùng biên ải, để lại đằng sau cuộc chia phôi với người vợ bồng con đang đứng ngóng theo hình bóng đoàn binh xa dần, mờ dần và mất hẳn trong tầm nhìn heo hắt.

Hòn Vọng Phu 1 có 4 câu thơ đề từ của Chinh Phụ Ngâm:

Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…

Bài hát có nhạc mở đầu và nhạc xuyên tâm chuyển đoạn. Nếu đoạn A được điều chế từ điệu Rê thứ của nhạc Tây phương, thì ở đoạn B chỉ thuần túy thang ngũ cung cổ truyền. Nhịp hành khúc không gợn lên một tiết phách nào của âm hình cờ giật hay gặp trong hành khúc châu Âu. Câu nhạc xuyên tâm còn được ghi rõ bằng lòng bản “Hò xự xang”:

Xang xang xang xề hò xứ xang xứ liệu
Xê xang liêu công liêu ú xư

Có lẽ khi viết Hòn Vọng Phu 1 tại Cù Lao – An Hóa – Bến Tre, nhạc sĩ Lê Thương luôn ngẫm nghĩ giai điệu của mình giữa tiếng ngân nga của các nhóm đờn ca tài tử ở các miệt vườn thôn dã, bởi vậy, ông dường như dứt khoát chọn cho mình sự độc đáo của tác phẩm này chính là âm hưởng của “Hò xự xang”.

“Hòn Vọng Phu 2” còn mang tựa đề “Ai xuôi Vạn Lý” được nhạc sĩ viết cuối năm 1946 vào thời điểm Toàn quốc Kháng chiến với tinh thần trường kỳ. Đây là một bài hát trữ tình – tự sự vẫn có nhạc mở đầu và nhạc xuyên tâm, vẫn mang gam màu của điệu Rê thứ có đôi khi biến nốt si giáng của hóa biểu thành si bình để tạo nên âm hưởng ngũ cung cho lời thở than.


Click để nghe Thái Thanh hát Hòn Vọng Phu 2

Bên cạch âm nhạc, tư duy ca từ của Lê Thương ở Hòn Vọng Phu 2 là một tư duy kể chuyện người Việt với công sức, tình cảm, gọt giũa, diễn đạt rất “tình người sâu đậm” của tác giả. Lối so sánh kiểu “Đá mòn nhưng hồn chưa tròn giấc mơ” hay cách ngoa dụ “Khi tướng quân qua đồi đoàn cỏ cây còn trẻ thơ cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già mà chờ người đi mất tự ngàn xưa…” đã gây hiệu quả xúc động cao ở người nghe.

Nhạc sĩ Lê Thương tạo ra những nhân cách hóa đầy độc đáo cho thi ảnh: “Núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng nằm thành Trường Sơn Vạn Lý xuyên nước Nam… Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo xa ra tới khơi ngàn xem chàng về hay chưa…”

Hòn Vọng Phu 3 còn mang tựa đề Người Chinh Phu Về với câu đề từ:

Đời xưa, đời xửa vua gì?
Có người đứng ngóng chồng kề đầu non 
Thế rồi trông mỏi trông mòn
Thế rồi hóa đá cùng con đứng chờ

Tác phẩm được cấu trúc: Mở đầu (gồm nhạc dạo + một câu hát chậm – nhạc chuyển tiếp nhanh) – A – B – B, viết theo thể hành khúc như Hòn Vọng Phu 1, song sử dụng điệu Rê thứ hòa thanh với nốt cảm âm là nốt đô thăng dường như là để diễn tả người chinh phụ đã đi khắp nơi trên hành tinh “bụi trường chinh bạc áo hào hoa” rồi mới trở về chiến thắng trao kiếm vinh quang cho cháu con.


Click để nghe Thái Thanh hát Hòn Vọng Phu 3

Hòn Vọng Phu 3 được nhạc sĩ Lê Thương viết sau khi bị Pháp bắt giam 4 tháng ở Mỹ Tho cùng một số văn nghệ sĩ yêu nước, bởi vậy, âm hưởng chất ngất của tráng ca ngày khải hoàn như ước vọng chiến thắng của tác giả đã hiện ra rất rõ. Bộ ba ca khúc Hòn Vọng Phu này đã từng dựng thành hình thức ca nhạc kịch ở rạp Nguyễn Văn Hảo năm 1955.

Từ cuối năm 1947, sau một thời gian ngắn bị Pháp bắt vì tham gia Việt Minh, khi được thả thì nhạc sĩ Lê Thương về sinh sống ở Sài Gòn, vừa viết báo về âm nhạc, vừa dạy học và sáng tác. Ông cùng với nghệ sĩ Trần Văn Trạch tiên phong viết thể loại nhạc hài hước, chân biếm, như là bài Hoà Bình 48, Làng Báo Sài Gòn, Đốt Hay Không Đốt, Liên Hiệp Quốc… Những ca khúc này được “quái kiệt” Trần Văn Trạch trình bày nhiều lần trên sân khấu và ở ban Sầm Giang. Cũng vì những ca khúc này, cùng với những bài trước đó như là Bà Tư Bán Hàng (tức Lòng Mẹ Việt Nam) mà ông cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và Trần Văn Trạch bị Pháp bắt giam một thời gian ngắn trong khám Catinat năm 1951.

Sau năm 1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước, nhạc sĩ Lê Thương tiếp tục sinh sống ở Sài Gòn và làm giáo sư Sử Địa, giảng dạy tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng từng là giáo sư Pháp ngữ tại trường trung học Pétrus – Ký vào thập niên 1960.

Ngoài ra nhạc sĩ Lê Thương cũng từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc gia Giáo dục và là giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ.

Nhạc sĩ Phạm Duy và Lê Thương

Ngoài thể loại nhạc tình ca thời tiền chiến, nhạc trường ca, nhạc kháng chiến và nhạc hài hước như đã nhắc đến ở trên, nhạc sĩ Lê Thương còn sáng tác nhiều bài Truyện Ca nổi tiếng là Hoa Thuỷ Tiên, Nàng Hà Tiên, Lịch Sử Loài Người.


Click để nghe Khánh Ly hát Hoa Thuỷ Tiên

Một đề tài âm nhạc khác mà nhạc sĩ Lê Thương cũng rất nổi tiếng và trở thành người tiên phong, đó là nhạc dành cho các lứa tuổi nhỏ, điển hình là ca khúc mà hầu như ai cũng thuộc, thường được hát vào dịp Trung Thu là Thằng Cuội:

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ…

Có một thời gian nhạc sĩ Lê Thương cùng với nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng, từ đó ông đã sáng tác rất nhiều bài hát thiếu nhi là Tuổi Thơ, Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Bé Tí Hon, Ông Ninh Ông Nang…

Có một ca khúc dành khác nữa của Lê Thương mà hầu hết thế hệ học sinh thời thập niên 1960 đến năm 1975 không ai mà không biết đến, đó là Học Sinh Hành Khúc, với những lời nhạc quen thuộc:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…


Click để nghe Học Sinh Hành Khúc

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Lê Thương còn biên soạn nhiều công trình về âm nhạc Việt Nam như Từ điển bách khoa về âm nhạc Việt Nam, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc lý âm nhạc dân tộc…

Nhạc sĩ Lê Thương lập gia đình cùng một phụ nữ học ở Pháp về và họ có chín người con.

Sau năm 1975, nền âm nhạc miền Nam tan tác, nhạc trữ tình không còn được lưu hành, nhạc sĩ Lê Thương lại dồn tâm huyết cho thể loại nhạc thiếu nhi, ông đã biên tập, biên soạn, và cả sáng tác thêm các ca khúc dành cho tuổi nhỏ.

Ông lâm trọng bệnh từ đầu thập niên 1990 và qua đời năm 1996 ở tuổi 83.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận