Một số hình ảnh gần bùng binh Bồn Kèn, công trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn), ngã tư 2 đại lộ Bonard – Charner (nay là Lê Lợi – Nguyễn Huệ), với các công trình Thương xá TAX, Dinh Đốc Lý…
Đây là những hình ảnh của nhiếp ảnh gia huyền thoại Carl Mydans. Gia nhập LIFE năm 1936, ông là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên tạp chí ảnh nổi tiếng này và có mặt trên khắp chiến trường trong thế chiến 2 ở vùng Châu Âu và Đông Á. Năm 1941, ông và vợ (cũng là phóng viên ảnh LIFE) bị quân Nhật bắt giam gần 1 năm ở Philippines, trước khi được thả trong đợt trao trả tù binh chiến tranh. Sau đó, chính Mydans cũng ghi lại lễ ký đầu hàng của Nhật Bản trên tàu USS. Missouri.
Sang thập niên 1950, ông có mặt ở Sài Gòn để chụp lại vài trăm tấm ảnh tại đây, sau đây là những tấm ảnh hiếm trong số đó:
Sau đây là một số hình ảnh khác chụp Dinh Đốc Lý, trong một ngày mít tinh nhân dịp Pháp chính thức công nhận chính thể Quốc Gia Việt Nam:
Hiệp định Élysée được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa cựu hoàng Bảo Đại và Tổng thống Pháp, theo đó công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam là một thành viên độc lập một phần nằm trong Liên hiệp Pháp, và Bảo Đại là quốc trưởng của chính phủ này.
Hiệp định này được ký kết trong bối cảnh sau thế chiến thứ 2, các nước thuộc phe đồng minh trao trả độc lập cho một số nước thuộc địa. Như Mỹ trả nền độc lập cho Philippines năm 1946. Vương quốc Anh trả độc lập cho Srilanka năm 1948. Hà Lan trả độc lập cho Indonesia năm 1949 sau khi đô hộ nước này 350 năm.
Pháp làm điều tương tự với Việt Nam năm 1949, tuy nhiên nền độc lập này không toàn vẹn, vì Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại chỉ tồn tại trên danh nghĩa và bị xem là “hữu danh vô thực”, nhiều vùng lãnh thổ thuộc sự kiểm soát của VNDCCH.
Đây là dịp mà Pháp chính thức chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam, theo Hiệp định Élysée.
chuyenxua.net biên soạn