Ở bài viết trước, chuyenxua.net đã đăng thông tin về chuyến hành trình thám hiểm cao nguyên Lang Bian của bác sĩ Yersin, là tiền đề để ông đề xuất lên Toàn quyền Đông Dương chọn nơi này làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp, sau đó khai sinh ra Đà Lạt. Câu chuyện đang dừng ở thời điểm Yersin kết thúc cuộc hành trình thám hiểm Lang Bian.
Ghi chép của bác sĩ Yersin về cuộc thám hiểm khai phá cao nguyên Langbian và Đà Lạt
Để làm rõ hơn những gì xảy ra sau đó, và vì sao Đà Lạt – cao nguyên Lang Bian được chính quyền thuộc địa chọn đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng một thành phố từ những viên gạch ban đầu, mời bạn theo dõi tiếp nội dung sau đây.
Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer được chứng kiến những trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1.000m lên đến 2.000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe.
Việc tìm một địa điểm có khí hậu ôn đới giống Châu Âu để xây dựng thành một trạm nghỉ dưỡng đã trở nên cấp bách hơn hết nếu xét theo tình hình lúc đó: lính Pháp ở Đông Dương phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt của miền nhiệt đới, nhiều bệnh nhân nặng thậm chí phải được thuyên chuyển về lại chính quốc bằng tàu biển để được sống lại trong bầu không khí ôn đới, hy vọng sức khỏe được phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên biện pháp này tốn rất nhiều chi phí nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí có nhiều binh lính phải bỏ mạng trên tàu trong nhiều tháng lênh đênh trên biển vượt đại dương.
Trong lá thư ngày 23-7-1897 gửi cho các khâm sứ, Toàn quyền Đông Dương mới nhậm chức là Doumer nêu ra bốn điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng: độ cao tối thiểu 1.200 m, nguồn nước dồi dào, đất đai trồng trọt được, khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng.
Ở miền Bắc, hai địa điểm được giới thiệu nhưng không được chấp nhận: đỉnh núi Ba Vì và cao nguyên giữa sông Hồng và sông Đà. Đỉnh núi Ba Vì quá chật hẹp và độ ẩm quá cao; đường giao thông lên các cao nguyên giữa thung lũng sông Hồng và sông Đà không thuận lợi.
Vũng Tàu nằm trên bờ biển, cách Sài Gòn 10 giờ theo đường sông, là một bãi biển mát mẻ hơn vùng nội địa nhưng không thể dùng làm nơi nghỉ dưỡng. Vùng đầm lầy dài hàng chục cây số ở gần Vũng Tàu là môi trường truyền bệnh sốt rét.
Nam Kỳ và Kampuchea không có những vùng núi cao trên 1.000 m. Gần Tây Ninh có một đỉnh núi cao 884m; giữa Châu Đốc và Hà Tiên cũng có vài đỉnh núi khác cao 400 hay 500m.
Nhận được thư riêng của Doumer, bác sĩ Alexandre Yersin gợi ý thành lập nơi nghỉ dưỡng ở Đà Lạt – Dankia (Đăng Kia).
Cần biết rằng Dankia không phải là Đà Lạt. Thời điểm đó Dankia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bian, trong khi Đà Lạt vẫn còn hoang sơ. Lúc ban đầu, Yersin đề xuất 2 nơi này làm trạm nghỉ dưỡng, nhưng chưa quyết định chính xác nơi nào. Rồi sau đó, không phải là Đà Lạt, mà Dankia mới là nơi được người Pháp xây những công trình trắc địa đầu tiên. Tuy nhiên như chúng ta đều biết, sau đó Đà Lạt mới là nơi được chọn.
Từ tháng 10 năm 1897, Doumer cử một phái đoàn quân sự nghiên cứu tìm một con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Lang Bian, do đại úy pháo binh Thouard chỉ huy.
Sau khi đi thực địa, Thouard cho rằng không thể đi thẳng từ Nha Trang lên Lang Bian và phác thảo một con đường dài khoảng 122km đi từ Phan Rang, ngang qua Xóm Gòn, Dran, thung lũng sông Đa Nhim, Klong, Prenn và đến Đà Lạt. Nhận thấy ở độ cao 1.000m, cao nguyên Lang Bian có nhiều nhánh của sông Đồng Nai, ông gợi ý xây dựng một con đường trực tiếp từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua thung lũng sông Đồng Nai, tránh con đường đèo cao 800m lên Dran. Đó là tiền đề cho những con đường đầu tiên dẫn lên Đà Lạt.
Năm 1898, một trạm nông nghiệp và một trạm khí tượng được thiết lập ở Dankia dưới sự quản lý của kỹ sư M. Jacquet, thanh tra nông nghiệp.
Tới năm 1902, những số liệu khí tượng thu được trong 14 năm đủ để xác định điều kiện khí hậu của cao nguyên Lang Bian như sau:
Về nhiệt độ, đồ thị cho biết nhiệt độ tối cao khá đều, dao động giữa 27℃ và 30℃ trừ tháng 7 năm 1902, nhiệt độ lên đến 32℃.
Từ 0℃ vào tháng 1, nhiệt độ tối thấp giảm xuống còn -2℃ vào tháng 2 và lên cao khá đột ngột đến tháng 8 và tháng 9 (khoảng 9℃), sau đó nhiệt độ giảm dần xuống còn 2℃ vào tháng 12.
Nhiệt độ trung bình hằng tháng thay đổi giữa 16,37℃ (tháng 1) và 19,57℃ (tháng 5). Từ mùa hè sang mùa đông, nhiệt độ chỉ cách nhau 3,2℃. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,32℃, gần giống như nhiệt độ trên bờ biển Địa Trung Hải vào mùa xuân.
Đầu năm 1899, Toàn quyền Doumer cùng với Yersin leo núi lên cao nguyên Lang Bian, đích thân ông Toàn quyền Đông Dương khảo sát nơi này.
Ngày 28-4-1899, Doumer giao cho đại uý Guynet nhiệm vụ làm một con đường dài 110 – 120km đi từ Nại (gần bãi biển Ninh Chữ) lên cao nguyên Lang Bian. Đoạn đầu bằng đất đi từ Phan Rang đến chân núi Trường Sơn, đoạn sau là một con đường có độ dốc 8% dành cho lừa tải hàng lên núi.
Tardif mô tả Đà Lạt và Dankia lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Bian trên độ cao ít nhất là 1.500m. Đồn lính nằm trên lưng chừng đồi của một thung lũng rộng, nhìn xuống một vùng đất dốc thoai thoải ven bìa rừng thông. Một dòng suối có lưu lượng rất cao chảy dưới thung lũng. Nước suối trong mát, dễ uống và không có mùi vị.
Đồn lính Đà Lạt còn rất thô sơ. Trong đồn chỉ có vài người lính và thợ mộc.
…Dankia ở phía Bắc Đà Lạt nằm trên độ cao 1.400m có 2 người Âu, khoảng 50 người Kinh và Thượng. Cách đó không xa là buôn Thượng với 40-50 hộ. Ông Canivey và Missigbrott mỗi người ở trong một túp lều tranh cách nhau 800m. Họ lấy nước từ một con suối chảy vào sông Đồng Nai ở chân đồi”.
Trước thế kỷ XX, Dankia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bian, trong khi Đà Lạt vẫn còn hoang sơ. Nhưng so sánh giữa Đà Lạt và Dankia, Tardif đề nghị chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và phân tích:
“Điều kiện vệ sinh: Vị trí thuận lợi nhất để thành lập nơi nghỉ dưỡng là một địa điểm trống trải và dễ đến gần. Đó là trường hợp của Đà Lạt có thể đến một cách rất tự nhiên, trong khi phải đi quanh co thêm 13km mới đến Dankia. Đà Lạt còn có một điểm thuận lợi nữa là đất đai dài liên tục với dốc thấp, trong khi Dankia gồm một dãy đồi núi cách rời nhau bằng những thung lũng hẹp và lầy lội.
– Độ cao:
Đà Lạt cao hơn Dankia 100m. Có thể nói một cách chính xác rằng Đà Lạt ở trên cao và Dankia nằm trong lòng chảo.
– Nước:
Nếu trong tương lai, nơi nghỉ dưỡng trở thành trung tâm, chỉ cần xây dựng ở gần Đà Lạt một tháp nước là sẽ phân phối được nước cho mọi nhà; ở Dankia, một công trình như vậy đòi hỏi rất nhiều khó khăn.
– Không khí:
Về điểm này, Đà Lạt càng thuận lợi hơn Dankia. Tôi chưa dám nói trước rằng nhờ độ cao, không khí Đà Lạt trong sạch hơn, nhưng chắc chắn là không khí Đà Lạt khô hơn.
Nằm gần đỉnh núi Lang Bian, trong mùa mưa Dankia hứng hầu hết những trận mưa. Ở Dankia, sương mù dày đặc hơn, gió và tia nắng mặt trời chỉ đến từ lúc 9 giờ hay 10 giờ sáng.
Cuối cùng, Dankia không bao giờ có không khí rừng thông. Ngược lại, Đà Lạt nằm kề một rừng thông mênh mông tạo thành một hình bán nguyệt ở Đông-Nam cao nguyên.
– Về thảo mộc, quanh Dankia không có cây cối. Đồi núi chỉ phủ toàn một lớp cỏ xanh. Đà Lạt, trái lại, nằm cạnh một rừng thông và tùng, không khí đầy hương thơm nhựa thông trong lành.
Tính chất thổ nhưỡng ở Đà Lạt cũng tốt hơn ở Dankia.
Nếu nơi nghỉ dưỡng đặt ở Dankia, đây sẽ là một đồi núi mấp mô, ít đất bằng, không thuận tiện cho các phương tiện giao thông (xe hơi, xe điện, xe đạp) hoạt động. Về ban ngày, không có bóng cây, do đó không thể dạo chơi; ban đêm lại đầy sương mù. Giá thành nước cung cấp đến tận nhà rất cao. Vấn đề giải quyết nước thải bằng những phương pháp cơ học hay hóa học ở Dankia rất tốn kém. Nếu nước thải chảy vào sông Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa khô. Ở Đà Lạt, với đất rộng, đồi núi thấp, một tháp nước và một hệ thống đường ống dẫn nước có thể cung cấp nước cho mọi gia đình. Nước thải cho chảy về Prenn. Dưới thung lũng này có một dòng suối đầy nước, quanh năm chảy qua một vùng rộng lớn gần như hoang vu trước khi đổ vào sông Đa Nhim.
– Vật liệu xây dựng lại ở gần Đà Lạt và rất xa Dankia.
– Về phương diện thẩm mỹ, Đà Lạt nằm ở một vị trí rất tuyệt diệu, chân trời lui về phía xa, tận dãy núi Lang Bian. Trái lại, từ lòng chảo Dankia, chân trời bị những ngọn đồi xanh bao quanh, không có rừng, không có núi, chỉ nhìn thấy ánh mặt trời và đồi cỏ xanh”.
Vào năm 1905, người ta dự định không thành lập trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bian nữa nhưng tại một địa điểm trong thung lũng sông Đa Nhim, trên độ cao 1.000m, giữa các làng Thượng ở Đi-ôm (Diom, Châu Sơn ngày nay) và La-bui (Lebuoi, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương ngày nay).
Một ý kiến khác là thành lập nơi nghỉ dưỡng trên cao nguyên Di Linh vì gần Nam Kỳ và trên đường từ Sài Gòn lên Lang Bian qua Phan Thiết, nhưng tại đây bệnh sốt rét rất nghiêm trọng. Tất cả nhân viên của phái đoàn nghiên cứu đường sắt do kỹ sư Blim dẫn đầu đều bị bệnh nặng và phải bỏ dở công việc. 12 trong số 24 tù nhân người Kinh đưa lên Djiring (Di Linh) đã bị chết trong vòng một tháng.
Cao nguyên Lang Bian có ưu điểm là muỗi anopheles rất hiếm, nhiệt độ về đêm xuống thấp đủ để ngăn cản mầm bệnh sốt rét phát triển.
Ngày 5-1-1906, Hội đồng Quốc phòng Đông Dương họp ở Đà Lạt gồm có Toàn quyền, Đại tướng Voyron, Thống đốc Nam Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chọn cao nguyên Lang Bian làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ các điều kiện quân sự và vệ sinh.
Lúc đầu, người ta chọn Dankia, nhưng sau đó một địa điểm giữa Đà Lạt và Dankia, và cuối cùng Đà Lạt.
Theo Nghị định ngày 1-11-1899 do Toàn quyền Paul Doumer ký, tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập bao gồm vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến biên giới của Nam Kỳ và Kampuchea. Tỉnh lỵ đặt tại Djiring và 2 trạm hành chánh (poste administratif) được thành lập ở Tánh Linh (Tân Linh) và trên cao nguyên Lang Bian. Ngoài các nhiệm vụ thường lệ, Ernest Outrey – Công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng – còn có nhiệm vụ đặc biệt giúp Sở Công chánh Đông Dương nghiên cứu và xây dựng con đường sắt ở Nam Trung Kỳ.
Từ năm 1898 đến năm 1900, các phái đoàn Odhéra, Garnier và Bernard nghiên cứu con đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt (dài khoảng 300km) đã được Thouard gợi ý, đề nghị một con đường đi thẳng từ Đà Lạt đến Biên Hoà bằng cách dùng đoạn Đà Lạt – Phan Rang, sau đó đường tách ra từ Klong, vượt sông Đa Nhim, đi ngang qua Djiring và xuống thung lũng sông La Ngà để tiếp nối với con đường sắt ven biển về hướng Tánh Linh.
Phái đoàn Guynet (1899) và Buvigner (1900) lập đường Phan Rang – Xóm Gòn – Dran – Đà Lạt.
Năm 1901, tổ chức các cơ sở tiếp tế cho Đà Lạt qua ngã đường Phan Rang – Đà Lạt, lập các trạm dọc đường, xây dựng vài căn nhà gỗ dành cho toàn quyền, bệnh viện, công sứ và cảnh binh. Một viên thị trưởng được chỉ định.
Khi còn ở Hà Nội, Doumer đã lập một chương trình xây dựng Đà Lạt. Theo chương trình này, Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn với các trụ sở hành chánh hoạt động về mùa hè, các trường trung học và doanh trại quân đội. Bản đồ phân lô đã bố trí các công trình kiến trúc từ dinh toàn quyền đến nhà ở của y tá, văn phòng công chánh, thuế vụ, thú y, thanh tra tài chánh, nông nghiệp,… Sở cảnh sát ở bên cạnh giải trí trường. Toà thị chánh rộng 306,88m2 với nhiều phòng. Nước được dự kiến cung cấp cho 10.000 dân, nguồn nước có thể thoả mãn trong tương lai cho 40.000 dân. Nước được lọc bằng phương pháp ozon hoá và có thể cả tia cực tím. Năng lượng thuỷ điện của các thác nước ở Ăn Krô-ét với nhà máy 2.760 mã lực sẽ cung cấp điện cho thành phố.
Tuy nhiên mọi việc đang được gấp rút tiến hành thì Toàn quyền Doumer hết nhiệm kỳ và về Pháp, dự án đồ sộ của ông ngưng lại, kinh phí bị cắt, những công trình xây dựng dở dang.
Vậy việc xây dựng Đà Lạt sau đó sẽ như thế nào? chúng tôi sẽ ghi lại trong một bài viết tiếp theo.
Nguồn tư liệu: Tác giả Nguyễn Hữu Tranh