Khi xem lại các hình ảnh về Sài Gòn xưa, chúng ta hay bắt gặp hình ảnh quen thuộc của các bà, các cô ngày xưa ngồi sau xe máy để hai chân sang một bên. Đó là một nét đẹp kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ xưa và nay.
Năm 1972, sau vụ ném lựu đạn của biệt động Sài Gòn vào phòng trà Tự Do năm 1971, thủ phạm là một phụ nữ ngồi sau chiếc Honda SS50, cho nên ông Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành lúc đó là Trang Sĩ Tấn đã chính thức ban hành quy định là người ngồi sau xe máy (và cả xe đạp) phải ngồi một bên, cả nam lẫn nữ. (Việc ngồi một bên sẽ làm cho người ngồi sau không có đủ thăng bằng để quăng lựu đạn nữa). Quy định này làm cho các anh chàng cũng phải ngồi một bên như trong tấm hình sau đây:
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng không phải vì quy định này mà các cô gái mới ngồi một bên khi ngồi sau yên xe. Bởi vì từ trước đó rất lâu, như một nét văn hoá lâu đời, người phụ nữ miền Nam nói riêng và tất cả những cô gái Việt khác nói chung đều đã có thói quen ngồi sau xe chỉ một bên, nếu ngồi hai bên là sẽ bị đánh giá là… vô duyên mất nết.
Ngày xưa, cách đi đứng hay ăn mặc mang tính tự do, thoải mái như phụ nữ như thời nay đều sẽ không được khuyến khích. Theo quan niệm xưa, ăn mặc là yếu tố luôn luôn được xét kỹ để lượng định “nết” có đứng đắn hay không.
Cách đi đứng ngoài đường và thái độ cư xử ở những nơi công cộng cũng là “nết” của người phụ nữ. Ngày trước rất hiếm khi gặp một nhóm thiếu nữ hoặc phụ nữ Saigon nào ra đường mà cười nói, đùa giỡn, la hét, ngả ngớn như ngày nay. Nếu cười thì phải lấy tay hay khăn tay (khăn mouchoir) che miệng lại. Cười lớn tiếng hay há to miệng ra sẽ bị nhận ngay hai tiếng “mất nết”.
Cách ứng xử này là những bài học được dạy ở nhà trường. Ngoài ra thì gia đình cũng là nơi đầu tiên phải chịu trách nhiệm về các hành vi của người con gái trong nhà. Từ đó mà người ta thường nói rằng “con nhà gia giáo” là như vậy.
Những sự giáo dục đó đã ứng vào cách thức đi đứng của người phụ nữ Việt xưa.
Những chàng thanh niên mới lớn của Saigon xưa hẳn sẽ không thể quên hình ảnh những nữ sinh Trường Gia Long, Trưng Vương… trước khi leo lên baga xe đều vén tà áo dài, nhẹ nhàng ngồi lên xe do người nhà (hoặc người tình) chở. Một hình ảnh thướt tha đầy mê mị của chiếc áo dài thời ấy.
Cách ngồi một bên tất nhiên gây khó khăn, vì không giữ được thăng bằng. Nếu di chuyển trên quãng đường dài, gồ ghề thì người sẽ rất ê và mỏi, khi xuống xe thường bị tê chân. Nhưng biết làm sao được, vì con nhà gia giáo là phải như vậy.
Đó là ngồi sau xe, còn nếu tự lái xe thì sao? Tất nhiên trong trường hợp này thì dù có gia giáo đến mấy, phụ nữ vẫn không thể ngồi một bên để chạy xe. Họ được phép ngồi hai bên nhưng hai chân không được mở rộng mà phải khép lại, đồng thời tay phải giữ lấy vạt áo dài để chúng không bị cuốn vào dây xích hay bị gió thổi bay phần phật, để lộ cơ thể trước mắt người đi đường. Nhất định phải giữ ý tứ ngay cả khi lái xe.
Một số hình ảnh khác chụp trước năm 1975 trên đường phố Sài Gòn:
Thời nay thì những quan niệm xưa cũ đã bị mai một nhiều. Phụ nữ không còn bị gò bó trong những phép tắc lễ nghi cứng nhắc mà được thoải mái hơn trong chuyện đi đứng và ăn mặc. Vì thế hầu như không còn ai ngồi một bên khi được chở ra đường nữa, ngoại trừ một số người phụ nữ lớn tuổi ở thế hệ trước, hay các lần diện đồ như váy ngắn mà thôi.
chuyenxua.net biên soạn