Tuyển chọn hình ảnh và những sự kiện xảy ra ở Sài Gòn năm 1955

Năm 1955 là cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đó là năm thực thi nhiều điều khoản Hiệp định Geneve 1954, đánh dấu việc Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương. Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại được giao quản lý lãnh thổ phía Nam của vỹ tuyến 17, và đây cũng là năm Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại để làm tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa.

Sau đây là một số sự kiện tiêu biểu xảy ra vào năm 1955 ở phía Nam:

1/1/1955: Thương cảng Sài Gòn chính thức được Pháp chuyến giao cho Quốc Gia Việt Nam quản lý.

11/1/1955, Tướng Trình Minh Thế của Cao Đài Liên Minh tuyên bố sẽ đem 5000 quân về hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm mà không yêu cầu điều kiện nào.

15/1/1955, Đại ta quân đội Hòa Hảo là Nguyễn Văn Huê tuyên bố ly khai các lực lượng của Tướng Trần Văn Soái, đem 3000 quân về hợp tác với Chính phủ.

2/2/1955, chính giới Hoa Kỳ chuẩn bị hoàn tất nghiên cứu một chương trình viện trợ quân sự, kinh tế chính trị cho Quốc Gia Việt Nam, gồm 6 điểm: lập quân đội Việt Nam với 150.000 người; cải cách điền địa và tư hữu hoa tiểu nông; định cư 500.000 dân di cư; cải tiến thuế vụ; lập những cơ cấu dân chủ; bình định các lực lượng phiến loạn.

12/2/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm họp báo tại Dinh Độc Lập và tuyên bố: từ thời điểm đó, sự tổ chức và huấn luyện Quân đội Việt Nam sẽ do Mỹ đảm trách, người phụ trách là Tướng O’Daniel chỉ huy Phái đoàn Quân sự MAAG (Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương), dưới quyền tổng kiểm soát của Đại tướng Pháp Paul Ely. Các huấn luyện viên quân sự người Pháp vẫn được lưu dụng nhưng sẽ rút dần.

Một lễ mít tinh tại dinh Độc Lập năm 1955

15/2/1955, Quốc Hội Lâm thời được thiết lập, với nhiệm vụ nghiên cứu thành lập một Quốc Hội Lập Hiến, và nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ. Các nghị sĩ sẽ do các Hội đồng Thành phố, Tỉnh và Đô thành bầu ra, có từ 2 tới 4 nghị sĩ cho mỗi Hội đồng. Ngoài ra, sẽ có một số nghị sĩ được chỉ định trọng các đoàn thể tôn giáo và chính trị (gồm 60 người).

21/2/1955, Chính thức kỷ thỏa ước Việt – Mỹ về viện trợ kinh tế.

22/2/1955, Thành lập cơ quan TRIM (Training Relation Instrution Mission) gồm 2 phái đoàn quân sự Mỹ và Pháp để tổ chức, huấn luyện cho Quân đội Việt Nam.

23/2/1955, Tướng Nguyễn Giác Ngộ của Dân xã Hòa Hảo tuyên bố đem 8000 quân về hợp tác với chính phủ.

28/2/1955, lần đầu tiên Mỹ viện trợ cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam, gói viện trợ 18 triệu đô la Mỹ (1 phần của thỏa ước viện trợ).

9/3/1955, Trường Quốc gia Sư Phạm được thành lập ở Sài Gòn.

10/3/1955, Thiếu tá Nguyễn Thành Đây của Hòa Hảo Quốc Gia Liên Hiệp đem 1500 quân về hợp tác với chính phủ, được Trung tá Nguyễn Khánh tiếp đón ở Cần Thơ.

16/3/1955, Lễ chuyển giao quân sự tại Cao Nguyên.

22/3/1955, Chính thức đổi hầu hết tên đường ở Đô thành Sài Gòn, từ tên Pháp sang tên danh nhân người Việt, chỉ để lại một số con đường mang tên các vĩ nhân người Pháp đã có công lớn đối với người Việt. Người phụ trách đặt tên đường là nhà văn Ngô Văn Phát, trưởng phòng hoạ đồ, và chỉ 1 mình ông phải làm việc miệt mài suốt 3 tháng để đổi toàn bộ tên đường ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn với một khối lượng công việc đồ sộ.

29/3/1955, lực lượng Bình Xuyên tấn công trụ sở Cảnh sát Đô thành và Tổng Tham Mưu.

9/4/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm mời nhiều đảng phái tới họp tại Dinh Độc Lập để bàn về việc thành lập một Thượng Hội Đồng Chính Trị. Có đại diện 12 đảng tới dự.

Dinh Độc Lập trước đó mang tên là dinh Norodom. Đến năm 1963 thì bị hủy để xây lại theo kiến trúc mới

14/4/1955, Lễ chuyển giao quyền quân sự ở Trung Việt.

28/4/1955, xảy ra xung đột giữa quân đội Quốc gia và lực lượng Bình Xuyên kéo dài trong nhiều ngày.

Trong hình dưới đây là Đại lộ Trần Hưng Đạo vốn là một trong những con đường sầm uất nhất của Sài Gòn, đã bị trống vắng trong thời gian xung đột giữa quân Bình Xuyên và quân đội Quốc Gia.

30/4/1955, Viện Đại Học được chuyển giao về chính phủ Việt Nam.

Cũng từ lúc này, có nhiều đoàn thể yêu cầu Truất phế Bảo Đại, giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm, thành lập chính phủ mới.

Một buổi mít tinh chính trị tại rạp Nguyễn Văn Hảo yêu cầu truất phế quốc trưởng Bảo Đại

2/5/1955, Quân đội phản công lực lượng Bình Xuyên ở 3 mặt: cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường và Xóm Củi, Phú Lâm.

3/5/1955, Tướng Trình Minh Thế tử trận trong khi chỉ huy chống lực lượng Bình Xuyên.

10/5/1955, lực lượng cố thủ cuối cùng của Bình Xuyên ra đầu hàng quân đội quốc gia.

Cũng trong ngày nay, Ngô Đình Diệm cải tổ nội các chính phủ, thành phần mới bao gồm:

  • Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng: Ngô Đình Diệm
  • Tổng trưởng Nội vụ: Bùi Văn Thinh
  • Tổng trưởng Tư pháp: Nguyễn Văn Sĩ
  • Tổng trưởng Ngoại giao: Vũ Văn Mẫu
  • Tổng trưởng Tài chánh Kinh Tế: Trần Hữu Phương
  • Tổng trưởng Thông tin: Trần Chánh Thành
  • Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục và Thanh niên: Nguyễn Dương Đôn
  • Tổng trưởng Xã hội và Y tế: Vũ Quốc Thông
  • Tổng trưởng Lao động: Huỳnh Hữu Nghĩa
  • Tổng trưởng Canh nông: Nguyễn Công Viên
  • Tổng trưởng Công chánh: Trần Văn Mẹo
  • Tổng trưởng Điền thổ và Cải cách Điền địa: Nguyễn Văn Thời
  • Tổng trưởng Đại diện phủ Thủ Tướng: Nguyễn Hữu Châu
  • Tổng trưởng Phụ tá Quốc phòng: Trần Trung Dung

26/5/1955, chuyến tàu di cư cuối cùng từ Bắc tới Sài Gòn, có 888 người di cư trên tàu Gascogne.

Đường Trần Hưng Đạo – Trụ sở Phủ tổng ủy di cư và tỵ nạn, phụ trách vấn đề di cư năm 1954. Ở vị trí ngày ngày nay là trụ sở của Công an TPHCM.

1/7/1955, Công bố thống kê Tổng số dân di cư như sau:

533.868 người vào Nam bằng tàu biển.
243.657 người vào Nam bằng phi cơ.

Số trại định cư:

122 trại ở 12 tỉnh Nam phần
55 trại ở 8 tỉnh Trung phần
9 trại ở 6 tỉnh Cao Nguyên

Số nhà đã dựng: 43.288 nhà kiên cố, 3.763 nhà tạm trú.

Phủ tổng ủy di cư và tỵ nạn năm 1955

9/8/1955, Học viện Quốc gia Hành chánh được thành lập để thay thế trường Hành chánh Đà Lạt.

4/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho thành lập một Ủy ban Trưng cầu Dân ý, đưa kiến nghị phế truất quốc trưởng Bảo Đại.

Mít ting ủng hộ Ngô Đình Diệm và đòi truất phế Bảo Đại tháng 10 năm 1955 tại quảng trường chợ Bến Thành

18/10/1955, từ Pháp, quốc trưởng Bảo Đại ra chỉ dụ cách chức thủ tướng Ngô Đình Diệm.

23/10/1955, Bộ Nội vụ tổ chức Trưng cầu Dân ý để phế truất Quốc trưởng Bảo Đại. Theo công bố của Bộ Nội vụ, số người đi bỏ phiếu là 5.838.907, trong đó:

5.721.735 phiếu đồng ý phế truất Bảo Đại và suy tôn Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên chức vị Quốc trưởng.

63.017 phiéu không đồng ý phế truất.
131.395 không có ý kiến.
44.155 phiếu không hợp lệ.

26/10/1955, Tuyên bố Hiến ước tạm thời tại Dinh Độc Lập như sau:

Việt Nam là một nước Cộng hòa, Quốc trường lấy danh hiệu là Tổng thống VNCH. Một Ủy ban được thiết lập để soạn thảo dự án Hiến Pháp. Một Quốc dân Đại hội dân cử sẽ xét định về Hiến pháp. Các luật lệ hiện hành vẫn tạm giữ nguyên.

Ngày 26/10 trở thành ngày Quốc khánh của Đệ nhất Cộng Hòa.

29/10/1955, chính thức thành lập Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Nội các chính phủ vẫn giữ nguyên như đã được bổ nhiệm từ 10/5/1955, chỉ đổi danh hiệu Tổng trưởng thành Bộ trưởng. Bộ trưởng Công chánh Trần Văn Mẹo kiêm kiệm Kinh tế.

7/12/1955, Tòa Thánh Vatican công nhận nước Việt Nam Cộng Hòa.

Một số hình ảnh chọn lọc của Sài Gòn chụp năm 1955:

đầu đường Hàm Nghi và Phó Đức Chính

Đường Catinat lúc này đã mang tên Tự Do, và Nhà Hát Thành Phố đã được cải tạo lại, bỏ đi các chi tiết hoa văn nguyên thủy để trở thành trụ sở Quốc Hội từ năm 1955.

Bức hình quen thuộc này đã được chụp từ năm 1955. Tòa Đô Chánh nằm trên đường Lê Thánh Tôn và đầu đường Nguyễn Huệ
Nhà Thờ Đức Bà năm 1955, góc đường Tự Do – Nguyễn Du. Nhà hình chóp ngay đầu đường phía Nguyễn Du là trụ sở Bộ Xã Hội
Bên trong trụ sở Bộ Xã Hội góc đường Nguyễn Du nhìn ra Nhà Thờ
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam năm 1955. Trước đó là trụ sở của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam, là một phần của Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC) được thành lập ngày 21 tháng 1 năm 1875. Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kiến trúc của tòa nhà này đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Bến Bạch Đằng năm 1955
Hộp đêm “La Croix du Sud” tại góc đường Catinat – Amiral Dupré. Sau 1955, tên đường đổi lại thành Tự Do – Thái Lập Thành, nay là Đồng Khởi – Đông Du. Hộp đêm này sau đó trở thành Vũ trường Tự Do nổi tiếng
Kho bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn, nằm trên đường Nguyễn Huệ. Ngày nay là Kho Bạc Nhà Nước
Bộ Quốc Phòng trên đường Gia Long, nay là trụ sở Bộ GTVT trên đường Lý Tự Trọng
Cư xá nhân viên Hãng xăng Shell, được xây dựng khoảng năm 1952. Hình này chụp mặt sau của tòa nhà, hình chụp từ phía đường Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo). Tòa nhà này hiện nay thuộc khu vực Nhà khách T78 Văn phòng Trung ương Đảng, địa chỉ cổng vào tại 145 Lý Chính Thắng.
Tòa nhà trụ sở của Hãng xăng Shell tại góc đại lộ Thống Nhất và Cường Để. Hiện nay tòa nhà này thuộc về Petrolimex
Đại lộ Lê Lợi 1955
Góc phố Tự Do – Lê Lợi một ngày mưa năm 1955
Sông Sài Gòn
Người phụ nữ này đang bào rau muống với mấy cái bắp chuối (hoa chuối) ở phía trước
Nhà thờ Đức Bà năm 1955. Hình chụp lúc 3 giờ kém 20 chiều, nắng còn chiếu nghiêng trước mặt chính hướng đông của nhà thờ. Chỉ một lát nữa là mặt chính nhà thờ sẽ bị ngược nắng. Thời gian này mặt đồng hồ nhà thờ còn mang số tự La Mã. Qua thập niên 60 người ta thay đồng hồ mới, con số là những cái gạch.
Bưu điện trung ương Saigon ở bên hông Nhà Thờ
Trụ sở Cty xăng dầu Vacuum Oil góc Thống Nhất – Hai Bà Trưng
Rạch Thị Nghè nhìn từ cầu Phan Thanh Giản
Vòng xoay ở công trường Lam Sơn với thương xá Eden
Cảnh bình yên trên sông Sài Gòn – Bến Bạch Đằng năm 1955 nhìn từ khách sạn Majestic

Sau đây là 25 tấm ảnh chụp từ trên phi cơ của nhiếp ảnh gia người Pháp Raymond Cauchetier thực hiện năm 1955, ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương:

Nhà thờ Đức Bà
Đại lộ Nguyễn Huệ 1955, có thể thấy rõ Tòa Đô Chánh, phía bên phải là thương xá Eden, phía sau Eden là Nhà Thờ. Góc bên trái hình có thể thấy được mặt sau của dinh Gia Long trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), xa hơn 1 chút là Tòa Pháp Đình nằm trên đường Công Lý.

 

Toàn cảnh khu trung tâm Sài Gòn
Toàn cảnh công trường Mê Linh năm 1955. Đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng – Thi Sách
Đại lộ Hàm Nghi phía Bến Bạch Đằng đâm thẳng tới chợ Sài Gòn
Khu vực trung tâm Sài Gòn phía bờ sông và rạch Bến Nghé, 2 cây cầu Khánh Hội và cầu Mống. Có thể nhìn thấy rõ những con đường thẳng tắp đâm ra sông Sài Gòn là Hàm Nghi, Nguyễn Huệ và Tự Do
Toàn cảnh Bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn. Tòa nhà màu trắng giữa hình là Majestic ở đầu đường Tự Do
Sông Sài Gòn và Bến Bạch Đằng. Chỗ những chiếc thuyền đang đậu ngày nay là cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son), đoạn ra đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng)
Cầu Mống nối từ Bến Chương Dương vào cảng Sài Gòn, ngày nay vẫn còn cầu này, dành riêng cho người đi bộ
Cầu Chà Và cũ bắc qua kinh Tàu Hũ, đường Bến Hàm Tử (nay là Võ Văn Kiệt)
Cầu Ông Lãnh và chợ cầu Ông Lãnh ở Quận Nhứt
Toàn cảnh Kinh Tàu Hủ (rạch Bến Nghé). Bên phải hình là đại lộ Hàm Nghi
Rạch Bến Nghé đoạn Chợ Lớn
Không ảnh chợ Bình Tây ở Chợ Lớn. Đường dọc hình là Tháp Mười phía trước chợ, tên đường giữ nguyên từ thời Pháp thuộc tới nay
Hình ảnh Kinh Hàng Bàng ở Quận 6 – Chợ Lớn
Rạch Thị Nghè, bên phải là khu vực Thảo Cầm Viên, góc dưới bên phải là cầu Thị Nghè, bên trái là Chợ Thị Nghè
Cầu Kiệu bắc qua rạch Thị Nghè, ranh giới của Sài Gòn và Gia Định
Cầu Kiệu nối Tân Định (bên phải) của Sài Gòn với Phú Nhuận (bên trái) của tỉnh Gia Định
Hình ảnh cầu Kiệu, đường xéo góc bên dưới là Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng) đâm ra đường Hai Bà Trưng

 

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận