Có thể xem Hoa Trinh Nữ là một trong những ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất của dòng nhạc vàng. Cách đây gần 1 năm, bài hát này đã từng gây xôn xao một thời gian ngắn vì người vợ cũ của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh lên án ca sĩ Đ.T. hát sai lời bài hát.
Xung quanh hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, có một câu chuyện tình được người ta kể lại, có nhiều dị bản. Đại ý đều cho rằng nhân vật “hoa trinh nữ” trong ca khúc này chính là nữ ca sĩ Minh Hiếu – một trong những nữ ca sĩ tài sắc nổi tiếng nhất miền Nam vào đầu thập niên 1960.
Nội dung của ca khúc Hoa Trinh Nữ là một câu chuyện tình buồn được người ta cho của tác giả Trần Thiện Thanh dành tặng Minh Hiếu, người mà sau đó trở thành phu nhân của tướng Vĩnh Lộc, nguyên là tư lệnh của Quân đoàn 2, vùng 2 chiến thuật. Vào lúc đó, tướng Vĩnh Lộc được người đời xem là một ông vua không ngai của vùng cao nguyên, cho nên mới có câu hát đầy xót xa:
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa…
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện tình bị thêu dệt này còn nhiều chi tiết nghi vấn, hoặc không đúng sự thật.
Ca sĩ Minh Hiếu sinh năm 1944, nhỏ hơn Trần Thiện Thanh 2 tuổi. Bà sinh ra trong một gia đình chỉ có 2 chị em gái và cha là một nghệ sĩ cổ nhạc tên là Văn Ba. Sau nhiều năm sống đời nghệ sĩ lang thang, ông Văn Ba dừng chân cư ngụ tại một quận lỵ nhỏ của tỉnh Bình Long cũ (nay thuộc tỉnh Bình Phước).
Tại Bình Long, cha của Minh Hiếu mở một hiệu cắt tóc nhỏ để mưu sinh nuôi vợ con. Tuy nhiên có lẽ vẫn còn máu nghệ sĩ trong người nên lúc chiều tối, khi ngưng nghề cắt tóc thì ông lại biến chính quán nhỏ đó thành một quán cà phê để cùng bạn bè hát giao lưu văn nghệ. Trong những buổi hát giao lưu đó, cô bé Minh Hiếu mới 14 tuổi đã thể hiện năng khiếu âm nhạc đặc biệt của mình. Cô dần dần được mọi người ở vùng quê biết đến với gương mặt xinh xắn cùng giọng hát như một ca sĩ.
Tháng 5 năm 1960, Minh Hiếu xin phép cha để xuống Sài Gòn ghi tên nhập học vào lớp đào tạo ca sĩ do các nhạc sĩ tên tuổi phụ trách giảng dạy. Nhờ năng khiếu có sẵn, nhờ được làm quen với việc hát trước khán giả từ trước, và đặc biệt là nhờ những cố gắng không ngừng, chỉ 1 năm sau Minh Hiếu đã trở thành 1 ca sĩ nổi tiếng Sài Gòn khi mới 17 tuổi.
Thời điểm đó, Minh Hiếu là 1 trong những ca sĩ trẻ được yêu thích nhất tại Sài Gòn, bà biểu diễn hàng đêm tại các vũ trường lớn nhất thủ đô. Cô cũng đã trở thành một trong những ca sĩ có dĩa nhạc bán chạy nhất trong số các ca sĩ miền Nam đầu thập niên 1960.
Từ năm 1962 đến năm 1965, Minh Hiếu thu âm rất nhiều bài hát vào dĩa nhựa. Đặc biệt, cô trình bày rất thành công các ca khúc nhạc lính và thường xuyên đến các tiền đồn hát cho người lính nghe bất cứ khi nào nhận được lời mời. Đến năm 1965, cô gặp tướng Vĩnh Lộc trong một lần đi tiền đồn Pleiku để hát uỷ lạo chiến sĩ. Lúc này “ông tướng” đã có vợ và 4 con, nhưng khi phải lòng Minh Hiếu, ông đã rũ bỏ tất cả để cưới cô làm vợ.
Thời điểm đó, Minh Hiếu đang ở thời kỳ rực rỡ nhất của sự nghiệp, nhưng cô cũng sẵn sàng rời bỏ sân khấu và những ánh hào quang nghệ sĩ để trở thành phu nhân một vị tướng nổi tiếng. Cuộc hôn nhân của Minh Hiếu và ông Vĩnh Lộc cũng để lại cho hậu thế rất nhiều câu chuyện được thêu dệt, đồn thổi rất kinh dị, nặng nề, đặc biệt là họ trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các tờ báo lá cải cả trước và sau năm 1975. Bỏ qua tất cả dư luận không hay đó, họ đã sống hạnh phúc với nhau cho đến khi tướng Vĩnh Lộc qua đời năm 2009. Trước thời điểm đó, ca sĩ Minh Hiếu ít xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc vì phải dành thời gian chăm sóc chồng đau yếu.
Trở lại bài hát Hoa Trinh Nữ và “chuyện tình” Trần Thiện Thanh – Minh Hiếu, có nhiều người nói rằng đầu thập niên 1960 ở Sài Gòn, họ là một cặp đôi đẹp của làng nhạc. Tình yêu đang thời kỳ thắm thiết thì Minh Hiếu bỏ đi lấy chồng. Trần Thiện Thanh bị mất người yêu, mối tình tan vỡ, trong cơn thất tình buồn bã, ông đã sáng tác ca khúc Hoa Trinh Nữ để ám chỉ rằng người yêu quên tình xưa, bỏ đi theo những quyền quý xa hoa:
Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương sắc màu nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa
Tuy nhiên điều này không đúng lắm, vì đến năm 1965, ca sĩ Minh Hiếu mới gặp ông Vĩnh Lộc. Trong khi đó nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cưới người vợ đầu là Trần Thị Liên từ năm 1962, khi ông mới 20 tuổi, và có người con đầu lòng là ca sĩ Trần Thiện Anh Chương vào năm 1963. Trần Thiện Anh Chương đã qua đời năm 2014, hưởng dương 52 tuổi.
Trong một dữ kiện khác được gia đình nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kể lại trên báo chí, thì vào năm 1963, khi người con trai đầu lòng Anh Chương được ra đời, vợ chồng nhạc sĩ rất nghèo và túng thiếu. Vừa chân ướt chân ráo từ Phan Thiết vào Sài Gòn để làm ông giáo nên Trần Thiện Thanh vẫn là một nhạc sĩ vô danh và đã bán bản quyền ca khúc Chuyến Đi Về Sáng mà ông sáng tác cho nhạc sĩ Mạnh Phát (lúc đó đã là nhạc sĩ thành danh) để có tiền trang trải cuộc sống.
Như vậy có nghĩa là Trần Thiện Thanh lấy vợ từ năm 1962, còn Minh Hiếu đến năm 1965 mới đi lấy chồng, vậy thì đâu thể nói rằng Minh Hiếu “phụ tình” chàng nhạc sĩ?
Chuyện tình Hoa Trinh Nữ có thể lý giải bằng cách khác, đó là nhan sắc kiều diễm của ca sĩ Minh Hiếu đã làm xao xuyến rất nhiều chàng nhạc sĩ tài hoa của miền Nam, trong đó có Trần Thiện Thanh. Năm 1965, khi Minh Hiếu rời bỏ hào quang để về làm vợ tướng Vĩnh Lộc, khi đó dù đã có gia đình nhưng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẫn cảm thấy chạnh lòng và viết thành ca khúc Hoa Trinh Nữ.
Cũng xin nói thêm, Trần Thiện Thanh không phải là nhạc sĩ duy nhất viết nhạc tặng cho người đẹp Minh Hiếu. Nhạc sĩ Lam Phương mặc dù đã cưới vợ từ năm 1959, nhưng ông vẫn trải qua những giây phút lãng mạn cùng Minh Hiếu đã sáng tác tặng cho cô 3 ca khúc bất hủ: Biển Tình, Biết Đến Bao Giờ và Em Là Tất Cả với những lời ca thật tình tứ. Chuyện này được MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại như sau:
Một buổi trình diễn văn nghệ ở Nha Trang, Lam Phương rủ Minh Hiếu ra bãi biển sau buổi hát. Lam Phương lưu lại kỷ niệm buổi gặp gỡ lãng mạn ấy bằng bài Biển Tình:
“Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa…”
Bài thứ hai Lam Phương viết tặng cho Minh Hiếu là một bài rất hay lồng trong hoàn cảnh thời chiến, đó là Biết Đến Bao Giờ:
“Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào
Ta quen bao lâu, nhưng tình đã có gì đâu
Từ khi anh là lính chiến, ít về thăm ghé nhà em…”
Cao điểm nhất của Lam Phương để ghi dấu chuyện tình với Minh Hiếu là bài Em Là Tất Cả:
“Em ơi suốt đêm thao thức vì em.
Vì lời giã từ lúc anh ra về…”
Xin quay lại với nội dung ca khúc Hoa Trinh Nữ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, với các lời hát:
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa, không nệm gấm, không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà
Thấy hoa nhớ người yêu rất xa…
Đây là câu hát có thể là nhắc tới ông tướng Vĩnh Lộc, vốn được xem là ông vua một cõi, nổi tiếng là thích phô trương, tiền hô hậu ủng với “ngọc ngà kiệu hoa”. Trần Thiện Thanh tự nhận chỉ là một anh lính bình thường, thích yêu một người yêu bình thường “biết xếp lá ngây thơ”, chứ không phải là nàng hồng kiêu sa hay cúc vàng tươi.
Chàng nhạc sĩ có thể là đã có ý oán trách cô gái khi ví cô với loài hoa dạ lý “bán hương thơm”. Thời điểm đó (1965), nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vừa tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan và làm việc trong bộ Tổng tham mưu, nếu so với tướng Vĩnh Lộc thì chỉ là một quân nhân hèn mọn: Tôi chỉ là người lính xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa…
Đông Kha (nhacxua.vn)
Có một người cũng để ý đến MH cố trung tá Đỗ Cao … em cố Đại Tướng Đỗ Cao …..