Là cậu ấm con quan lãnh binh, được ban phát nhiều đặc quyền song phẫn uất trước sự tàn a’c của cha và chính quyền thực dân, cậu Hai Miên đã vứt bỏ chức tước trở về làm đại ca giang hồ, sống hào hiệp trượng nghĩa, bênh vực những người cô thế, trừng trị bọn ác bá cường hào khiến người Sài Gòn cảm phục thờ cậu như Thành Hoàng…
Nam Kỳ có cậu Hai Miên…
Cố nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời có lần rỉ tai: “Có một ngôi đình làng giữa đất Sài Gòn thờ một đại ca giang hồ như Thành Hoàng. Nếu muốn tìm hiểu, chú em cứ đến chợ Cầu Muối (quận 1) hỏi những người lớn tuổi về cậu Hai Miên, ai cũng biết…”.
Đình Nhơn Hòa (số 27 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) nằm đối diện với chợ Cầu Muối cũ nên còn được bà con ở đây gọi là đình Cầu Muối. Đình thờ Thành Hoàng và nhiều chư thần, được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Thành phố. Theo một số cụ hương thân, đình Nhơn Hòa được vua Tự Đức sắc phong năm 1852.
Trước năm 1945, đình được trùng tu thành rạp hát cải lương Hồ Quảng. Trong nhà túc của đình thờ tổ sư của nghệ thuật sân khấu cùng với các vị Tiền Vãng, Hậu Vãng. Đặc biệt, chính giữa nhà túc thờ một bài vị sơn son thếp vàng ở vị trí rất trang trọng.
Bài vị chạm trổ ba con rồng thể hiện sự tôn kính, trên bài vị có ba dòng chữ Nho, tạm dịch: “Bài vị của cậu hai Huỳnh Công Miên mất năm 38 tuổi, vào ngày 6 tháng 12 năm Kỷ Hợi (tức năm 1899) trước sống ở Gò Công, chết gửi thân tại xã Tân Hòa”.
Xã Tân Hòa là phạm vi hai phường Cầu Kho và Nguyễn Cư Trinh (quận 1) bây giờ. Tra cứu các tài liệu cũ, chúng tôi tìm thấy bài “Vè cậu Hai Miên” được viết theo thể thơ lục bát gần 7.000 chữ ca ngợi khí phách và những hành động trượng nghĩa của cậu Hai Miên. Một số nhà nghiên cứu cho biết bài “Vè cậu Hai Miên” được nhân dân Nam Kỳ sáng tác, truyền miệng cùng với “vè Sáu Trọng” và “vè Thông Chánh” ngày trước bị chính quyền thuộc địa Pháp cấm phổ biến, lưu hành.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong sách “Gò Công xưa” cho biết: “Trước năm 1975, mộ của Cậu Hai Miên nằm trong vuông đất ở đường Phát Diệm, Sài Gòn (nay là đường Trần Đình Xu). Mộ được xây bằng đá xanh, có dựng bia, nhưng vì lâu ngày đã bị rêu phong cỏ mọc, đọc không rõ”. Chúng tôi quyết định đi tìm nơi an nghỉ của cậu Hai Miên. Một số cụ cao niên ở chợ Cầu Muối chỉ nhớ mang máng ngôi mộ trước kia ở gần kênh Tàu Hũ, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền…
Cậu Hai Miên lúc nhỏ và bố mẹ (vợ chồng lãnh binh Huỳnh Công Tấn), người hầu
Hơn một trăm năm bể dâu, bến xưa giờ đã thành những khu phố sầm uất bậc nhất của trung tâm Sài Thành. Đất ở đây đúng nghĩa là “tấc đất tấc vàng”, thật khó để bố trí cho người cõi âm. Không rõ di thể của cậu Hai Miên đang ở nơi nào song có một điều chắc chắn khí phách và những việc làm trượng nghĩa của cậu mãi khắc sâu trong tình cảm người Sài Gòn xưa và nay.
Giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha…
Theo một số tài liệu, Huỳnh Công Miên (1862 – 1899) là con đầu của Lãnh binh Huỳnh Công Tấn khét tiếng tàn ác. 17 tuổi, Huỳnh Công Miên được Pháp cho đi du học 4 năm tại trường La Seyne (gần Toulouse, Pháp). Về nước, cậu Hai Miên được Pháp bố trí làm thông ngôn, sau thăng làm quan Phán, hàm tri huyện phục vụ dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc.
Trong lần ra miền Trung, chứng kiến cảnh Trần Bá Lộc bắt mẹ của lãnh tụ nghĩa quân Mai Xuân Thưởng treo lên cây uy hiếp, bắt ông phải đầu hàng, cậu Hai Miên phẫn uất trả lại chức quan về sống kiếp lãng tử giang hồ.
Quyết định đó của Cậu Hai Miên đã để lại những ấn tượng đẹp trong dân gian. Vè “cậu Hai Miên” còn kể chuyện ba tên Bảy Danh, Tám Hổ, Ba Ngà đến nhà than phiền với cậu Hai Miên vừa thua bạc số tiền rất lớn ở nhà Chệt Lù (người Hoa) và nhờ gỡ gạc giùm. Cậu Hai liền cho người gọi Chệt Lù đến “gầy sòng” và lấy tiền cậu thắng bạc trả lại cho ba gã kia.
Chuyện cậu Hai Miên “tống tiền” tên quan tham biện tỉnh Mỹ Tho (người Pháp) cũng được lan truyền đến hôm nay. Biết cậu Hai có “lưu linh miễn tử”, đi đâu cũng không bị hỏi giấy tờ, tên quan Tây xuống nước, năn nỉ: “Cậu hai, cậu chớ có lo/Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy xài”.
Một lần về Gò Công (Tiền Giang), chứng kiến hàng trăm dân phu phải làm việc quần quật để đào ao trường đua và thường bị cạp rằn (cai người Pháp) đánh đập tàn nhẫn, cậu Hai Miên nổi giận. Cậu túm cổ tên cai đánh cho một trận, sau đó bắt đám giám thị đứng xếp hàng và giáng cho mỗi tên vài cái bạt tai rồi bắt bọn này lội xuống đào đất đắp đường như dân phu. Nhờ cậu, các dân phu bớt bị hà hiếp, đánh đập.
Không chỉ quan Tây, cậu Hai Miên còn trừng trị những tên cường hào ác bá, trong số đó có gã Hương Quản hễ gặp chuyện không vừa ý là cầm roi cá đuối đánh đập dân làng, kể cả phụ nữ, trẻ con, người già. Bất bình, cậu Hai quyết định chơi “tay bo” và bằng mấy thế võ đã hạ gục tên ác ôn này khiến gã phải bỏ xứ (Hương Quản đã trốn bỏ làng/Còn ai đâu nữa nghinh ngang ỷ quyền).
“Nam Kỳ có cậu Hai Miên
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời
Tuổi nay gần mới ba mươi
Tánh tình hào hiệp ít người dám đương”.
(Trích Vè cậu Hai Miên)
Bài vè kể lại câu chuyện một cô gái cô thế bị gã ma cô tên Tám Hổ hà hiếp được cậu Hai Miên bênh vực. Cậu đánh gục tên côn đồ đòi lại công bằng cho người phụ nữ. Khi Tám Hổ xin tha mạng, cậu không ngần ngại tha cho y theo đúng phong cách của một đại ca giang hồ mã thượng.
Bài vị của cậu Hai Miên thờ trong đình Nhơn Hòa
Một lần, cậu Hai Miên rong ruổi đến đất Bạc Liêu, xứ sở của các đại gia giàu sụ lúc bấy giờ. Ghe (thuyền) của cậu ngang qua bến của anh em chủ Thời, chủ Vận, hai địa chủ giàu có, thế lực và cũng là nỗi khiếp sợ của các tá điền, bà con nông dân trong vùng. Nghe giọng hách dịch của ông chủ Thời vọng xuống: “Ghe ai đi dưới sông đó bây?”, cậu Hai Miên sôi ma’u ghé vào và ra lệnh cho đàn em bắt cô Hai Sáng, con ông chủ Thời lên ghe trói lại.
Việc cậu Hai bắt cô Hai Sáng cũng có nguyên do. Cô gái này còn ác ôn hơn cả cha và chú. Dân chúng trong vùng khiếp sợ cô, không ai dám nói đến chữ “Sáng” như “buổi sáng”; “hồi sáng mai” mà phải nói chệch đi là “buổi sớm”; “hồi sớm mơi”. Nghe kể về chủ Thời, chủ Vận và cô Hai Sáng bạo ngược như vậy, cậu Hai Miên tức giận vô cùng.
Biết đụng phải cậu Hai Miên, ông chủ Thời toát mồ hôi hột vội xuống nước năn nỉ cậu tha mạng cho con gái và hứa không hiếp đáp dân nghèo. Cậu Hai Miên đồng ý thả cô Hai Sáng.
Không ngờ hành động mã thượng này đã khiến cậu phải bỏ mạng. Rời Bạc Liêu, sau một thời gian dài lang bạt, cậu Hai Miên thèm chén cơm nhà nên quyết định quay về thăm vợ vốn là một tiểu thư khuê các văn hay chữ tốt là em gái của cai tổng Lê Quang Chiểu (Phong Điền, Cần Thơ).
Ghe cậu Hai vừa cập bến Cầu Kho (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1) thì cô Hai Sáng xuất hiện cùng với hàng chục tên sa’t thủ chuyên nghiệp. Dù giỏi võ nghệ song một mình cậu Hai Miên không thể đấu lại với cả đám côn đồ. Bị che’m nhiều nha’t dao chí mạng, cậu Hai Miên gục chê’t ngay trước cửa nhà mình. Năm ấy cậu mới 38 tuổi.
Cảm kích tấm lòng trượng nghĩa, không khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng ra tay diệt trừ cường hào ác bá, bênh vực kẻ yếu, người dân vùng Cầu Kho đã chôn cất cậu Hai Miên và lập bài vị thờ cậu ở đình Nhơn Hòa.
Đám tang của cậu còn lớn hơn của nhiều viên quan ở địa phương và người đưa tiễn cậu về nơi an nghỉ hầu hết là các tầng lớp dân nghèo, giới bình dân, trong số đó không ít người đã từng được cậu bênh vực, che chở, cưu mang…
Theo Hồng Hạnh (tienphong.vn)