Khi còn học lớp 8, tôi ham mê nhất là vào giờ Quốc Văn (gồm Kim văn và Cổ văn), nhất là vào giờ học Cổ văn của giáo sư Trần Thị Mai, tôi ngồi hào hứng lắng nghe cô giáo giảng về sự nghiệp văn chương của hai vị Thi ông và Thi bá xứ Huế là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương: vừa là hai vị hoàng tử triều Nguyễn, vừa là hai thi sĩ nổi bật thời thi văn hưng thịnh của triều đình Huế.
Cô giáo đọc hai câu thơ của vua Tự Đức thời ấy đã tôn vinh văn thi tài của bốn nhân vật nổi tiếng một thời của Huế đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.
“Siêu” là Nguyễn Văn Siêu, “Quát” là Cao Bá Quát, “Tùng” là Tùng Thiện vương – Nguyễn Phúc Miên thẩm, “Tuy” là Tuy Lý vương – Nguyễn Phúc Miên Trinh, con thứ mười và thứ mười một của vua Minh Mạng.
Nói về bên Tàu thì đời Tiền Hán rất nổi tiếng về văn, nhất là văn chép sử: hai bộ sử lớn là Sử Ký của Tư Mã Thiên và Hán Thư của Ban Cố thời kỳ đó đã vang danh trên văn đàn thế giới. Còn thời Thịnh Đường thì rất nổi tiếng về thơ, thi phẩm đặc biết phát triển về lượng lẫn về phẩm. Đỗ Phủ là một thi thánh, Lý Bạch là một thi tiên, được tôn vinh là hai vì sao của thi đàn Trung Quốc.
Vậy mà nói đến văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì không còn thấy văn chương thời Tiền Hán là trác tuyệt, nói đến thơ của hai vị Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương thì thơ thời Thịnh Đường cũng theo không kịp.
Nghe cô giáo giảng giải về hai câu thơ trên, tôi vừa thu nạp được một ít từ tiếng Hán Việt, vừa khâm phục xứ Huế đã sản sinh ra hai thi sĩ có thi tài lừng lẫy đi vào văn học sử của nước nhà.
Và sau này khi về lại làng Vỹ Dạ nơi tôi sinh ra và lớn lên cho đến năm mười tuổi phải xa xứ, điều tôi ngạc nhiên và thú vị nhất là biết phủ của Tuy Lý Vương nằm trên đường Thuận An – Vỹ Dạ, chỉ cách nhà ngoại tôi 300m (bây giờ là đường Nguyễn Sinh Cung).
Cái phủ này hồi còn bé tôi thường đi qua lại trước cái cổng tam quan có ba vòm cửa to lớn mà người dân xung quanh thường gọi là phủ Ba Cửa, ở bên trong ngó thấy dinh cơ to lớn uy nghiêm quá nên bọn trẻ chúng tôi không dám lẻn vào dù nghe tiếng ve cất lên inh ỏi trong vườn, chỉ dám đứng ngoài đưa cái cây bắt ve lên khoèo trái chín đỏ trên cây trứng cá trước phủ xòe tán che mát cả một góc đường.
Theo luật lệ của triều Nguyễn, chỉ những bậc hoàng thân quốc thích được vua phong tước “Vương” mới xây cổng ngõ phủ đệ có 3 cửa. Cửa lớn chính giữa chỉ mở ra trong ba ngày Tết Nguyên Đán, và chỉ dành riêng cho chủ nhân (vương gia) đi hoặc những lần tiếp đón vua đến thăm hỏi. Hai cửa phụ hai bên mở thường ngày cho gia nhân và khách vãng lai ra vào.
Trong lịch sử vương triều nhà Nguyễn, các vị vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, đặc biệt là vua Tự Đức đều sáng tác văn chương và để lại kho tàng thi phẩm đồ sộ. Noi gương vua cha, các hoàng tử, công chúa cũng được đào tạo thấm nhuần Nho học và được khích lệ sáng tác thi ca. Phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ trở thành nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ đương thời, nơi gặp gỡ của các tao nhân mặc khách ngâm vịnh thi ca. Tuy Lý vương phủ là một địa chỉ đặc biệt vì Tuy Lý vương đã nổi tiếng thơ hay từ năm 13 tuổi và Thi bá đã được người đương thời gọi là “Ông hoàng thơ”. Người ta biết nhiều đến Tuy Lý vương phủ không vì đây là phủ của vương gia, mà trọng vọng “khu vườn thơ” của một thi sĩ danh tiếng tương đương với các danh sĩ Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát…
Những công trình kiến trúc xưa của Huế, ngoài cung vi trong Thành nội, các lăng tẩm đền đài của các vua ở hướng Tây kinh thành, thì những phủ đệ (phủ dành cho hoàng tử, đệ dành cho công chúa) của các vương tôn, công nương là những di sản độc đáo chỉ có ở chốn cố đô.
Tiếc thay hiện nay nhiều phủ đệ đã hoang tàn đổ nát chỉ còn trơ lại cái cổng cũ hoang tàn đổ không ai phục dựng, vì chu vi khu vườn xưa đã bị xóa bỏ đi hàng rào chè tàu, “bức tường xanh” truyền thống lâu đời của Huế, và diện tích cũng chia năm xẻ bảy, vì con cháu của chủ vườn cắt bán hoặc bị người dân xung quanh lấn chiếm dần dần…
Đi ngang qua đây, không thể nào tránh khỏi cám cảnh một thời vang bóng của các phủ đệ Huế, những chủ nhân vốn thuộc dòng dõi quí tộc “hoàng phái” về lập vườn phủ sống giữa dân gian, tính cách họ cao ngạo nhưng tấm lòng rộng lượng, dễ hòa đồng với láng giềng xung quanh…
Hiện nay, trong số ít ỏi hơn 10 phủ đệ nguyên vẹn còn sót lại của Huế , Tuy Lý vương phủ là một phủ nổi tiếng được nhiều du khách và người yêu thơ đến tham quan. Phủ còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, đặc biệt là 150 mộc bản khắc những tác phẩm thơ văn của Tuy Lý Vương.
Vì là một công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa và văn học học nghệ thuật nên phủ được công nhận là di tích quốc gia năm 1991.
Bây giờ mỗi lần về lại Huế, từ Đập Đá về đền gần chợ Vỹ Dạ, đi ngang qua phủ Tuy Lý vương, tôi bồi hồi trước “Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương” để nhớ mấy câu thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mất phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá…
Trương Đình Tuấn